Ứng dụng hệ thống thông tin quản lý tài chính - nhiệm vụ cấp bách
Trước yêu cầu cao về thay đổi phương thức quản lý (tiền kiểm sang hậu kiểm), việc hiện đại hoá, ứng dụng công nghệ thông tin là yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách tạo nền tảng ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực tài chính
Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý của Bộ Tài chính thời gian qua đã được đẩy mạnh triển khai đồng bộ với cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Tính đến cuối tháng 3/2018, tại Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính là 893 thủ tục (trong đó có 223 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1; 378 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 188 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Tính đến hết tháng 3/2018, trên chuyên trang Dịch vụ công trực tuyến của Cổng TTĐT Bộ Tài chính đã công khai toàn bộ 960 thủ tục hành chính và danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc các lĩnh vực tài chính chung có 270 thủ tục hành chính, thuế có 298 thủ tục hành chính, hải quan có 180 thủ tục hành chính, chứng khoán có 183 thủ tục hành chính và kho bạc có 22 thủ tục hành chính.
Kết quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính cũng thể hiện qua đánh giá về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), Bộ Tài chính 5 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến năm 2017) đứng thứ nhất trong khối các bộ, ngành.
Bước đột phá trong lĩnh vực thuế, hải quan
Trong lĩnh vực thuế, việc ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành phố và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc, với 99,92% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động (có trên 648.000 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt 99,92% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước).
Đối với nộp thuế điện tử, có 636.217/648.504 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,1% đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan Thuế; Về hoàn thuế điện tử, đã có 2.808/3.006 doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử, đạt tỷ lệ 93,41%.
Bên cạnh đó, ngành Thuế đã triển khai thí điểm hóa đơn điện tử cho các ngành điện lực, ngân hàng, xăng dầu... đồng thời hỗ trợ 218 doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 5.968.822 hóa đơn đã được xác thực cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử.
Trong lĩnh vực hải quan, 100% đơn vị hải quan (34/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố trên toàn quốc) đã triển khai thủ tục hải quan thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS với khoảng trên 69,3 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Đối với việc triển khai “Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN”, tính đến ngày 15/3/2018, đã có 11 bộ, ngành tham gia kết nối (trong đó, đã có 47 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia là trên 1,050 triệu bộ hồ sơ và trên 19,8 nghìn doanh nghiệp tham gia).
Đối với công tác thu, nộp thuế xuất, nhập khẩu điện tử, Tổng cục Hải quan đã ký kết với 37 ngân hàng thương mại để thu thuế điện tử, số thu chiếm 90% số thu ngân sách của ngành Hải quan, giảm thời gian thực hiện từ 2 ngày xuống còn 15 phút.
Nhiệm vụ cấp bách trong ứng dụng công nghệ thông tin
Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 09/3/2018, Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách.
Theo đó, Bộ Tài chính đặt mục tiêu chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.
Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số.
Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản:
Thứ nhất, xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán - kiểm toán... phù hợp định hướng phát triển kinh tế số. Trên cơ sở Chiến lược Tài chính đến năm 2030, xây dựng Chiến lược chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Thứ hai, hoàn thiện chính sách tạo hành lang pháp lý triển khai Tài chính số các cơ chế, chính sách, pháp luật về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác.
Thứ ba, xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính hướng tới Kiến trúc Tài chính số.
Thứ tư, rà soát kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 của ngành Tài chính và các đơn vị trong ngành phù hợp với Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và Chiến lược chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030.