Bộ Tài chính muốn hợp tác với Microsoft toàn diện hơn
(Tài chính) Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Microsoft với Bộ Tài chính vừa chính thức được ký kết tập trung vào các lĩnh vực như: Về công nghệ, tổ chức và tối ưu hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của ngành Tài chính... Phóng viên Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính xoay quanh chủ đề này.
Còn nhớ trước Lễ ký kết này, giữa Bộ Tài chính và Tập đoàn Microsoft đã ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tiên vào năm 2006. Ông có thể chia sẻ những kết quả đạt được trong quá trình hợp tác?
Từ năm 2006, Microsoft đã hỗ trợ Bộ Tài chính nghiên cứu các công nghệ nền tảng của mạng cục bộ, công nghệ quản lý miền, từ đó thiết lập hệ thống mạng, hệ thống người dùng, hệ thống thư điện tử và các giải pháp an toàn thông tin thông qua các hoạt động tư vấn và chuyển giao công nghệ. Biên bản ghi nhớ này là kết quả từ định hướng của Bộ Tài chính trong việc ứng dụng CNTT hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ và nhu cầu đổi mới trước sự phát triển nhanh chóng của CNTT trong những năm gần đây.
Trước đó, với sự hợp tác của Microsoft, Kho bạc Nhà nước Hà Nội đã ứng dụng thành công công nghệ quản lý dữ liệu trong hệ thống thông tin cốt lõi của Kho bạc Nhà nước, đó là ứng dụng KBW quản lý thu chi ngân sách sử dụng công nghệ CSDL SQL Server. Trong những năm vừa qua, thông qua các hình thức cả trực tiếp và gián tiếp qua các đối tác trong nước, Microsoft đã hỗ trợ Bộ Tài chính triển khai nhiều hoạt động ứng dụng CNTT như tư vấn giải pháp, tối ưu hóa hệ thống, triển khai các dự án trực tiếp sử dụng sản phẩm của Microsoft giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành.
Hiện các sản phẩm nền tảng hạ tầng và phát triển công nghệ của Bộ Tài chính vẫn dựa trên nền tảng công nghệ của Microsoft, vậy lợi ích mong muốn đạt được từ việc ký biên bản ghi nhớ này là gì, thưa ông?
Hiện nay ngành Tài chính đang sử dụng rất nhiều các ứng dụng của Microsoft. Tuy nhiên, do công nghệ liên tục thay đổi nên để các ứng dụng phát huy được hiệu quả tốt nhất, thông qua những cam kết trong thỏa thuận hợp tác, Microsoft sẽ dành sự hỗ trợ cao nhất cho Bộ Tài chính trong việc cập nhật thông tin về các sản phẩm và ứng dụng mới.
Quan trọng hơn, Microsoft cam kết sẽ tập trung nâng cao hiệu quả của các vấn đề quan trọng trong tổ chức triển khai ứng dụng CNTT tại Bộ Tài chính như: Giảm dần ứng dụng phân tán sang xử lý tập trung; Xu hướng ứng dụng liên kết nhiều nghiệp vụ, nhiều ngành; Quy hoạch ảo hóa, điện toán đám mây; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý phục vụ chỉ đạo điều hành, khai thác dữ liệu đa chiều; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời thể hiện vai trò nền tảng của Microsoft trong các lĩnh vực dịch vụ của Bộ Tài chính.
Với vai trò quản lý ứng dụng CNTT của toàn ngành Tài Chính, cộng với kinh nghiệm và khả năng thực hiện của Microsoft, bản ghi nhớ được đi vào hiệu lực sẽ tạo điều kiện để hai bên chủ động thực hiện trách nhiệm của mình hơn trong các lĩnh vực hợp tác, đồng thời có đủ cơ chế và nguồn lực để trao đổi, thỏa thuận đối với các giải pháp, phương án triển khai tại Bộ Tài chính.
Liệu việc ký kết này có gây ra hiệu ứng cạnh tranh không bình đẳng khi mà các hang công nghệ khác vẫn chưa triển khai được một chương trình hợp tác cụ thể với Bộ Tài chính?
Đây không phải là lần đầu tiên Microsoft và Bộ Tài chính ký kết hợp tác. Bản ký kết đầu tiên giữa hai bên có hiệu lực 02 năm đã được ký vào năm 2006. Và Bộ Tài chính cũng không phải là khách hàng duy nhất tại Việt Nam ký Biên bản hợp tác với Microsoft.
Theo tôi thì luôn luôn có hai trạng thái: Cạnh tranh và hợp tác. Trên thực tế Microsoft và các hãng khác cũng có nhiều sự kết hợp nhằm mang lại những giải pháp tối ưu phục vụ khách hàng. Công nghệ được lựa chọn do sức thuyết phục của bản thân công nghệ đó. Khách hàng là những nhà đầu tư thông thái, khách hàng mới là người quyết định, không phải yếu tố nào khác.
Hiện nay, tại Bộ Tài chính, các hãng công nghệ hàng đầu thế giới đều hiện diện trong các sản phẩm giải pháp và rất hợp tác với nhau để mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng. Hàng năm chúng tôi tổ chức hội nghị đối tác với sự có mặt của tất cả các hãng công nghệ Việt Nam và Thế giới trên tinh thần hợp tác cởi mở và thẳng thắn, chúng tôi cũng mang lại tính công bằng cao cho các đối tác trong việc đầu tư dài hạn vào Việt Nam và vào Bộ Tài chính.
Hơn nữa, như đã nêu, việc hợp tác này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng những ứng dụng, giải pháp của Microsoft trong ngành Tài chính, không phải là một sự cạnh tranh để loại bỏ, quay lưng với công nghệ của các hãng khác. Với ý nghĩa đó, việc ký kết biên bản ghi nhớ này hoàn toàn không gây ra hiệu ứng cạnh tranh không bình đẳng giữa các hãng. Điều này thể hiện Bộ Tài chính mong muốn Microsoft hợp tác sâu hơn trong việc tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin như: Giảm dần ứng dụng phân tán sang xử lý tập trung; xu hướng ứng dụng liên kết nhiều nghiệp vụ, nhiều ngành; quy hoạch ảo hóa, điện toán đám mây; xây dựng hệ thống thông tin quản lý phục vụ chỉ đạo điều hành, khai thác đa chiều; cung cấp dịch vụ công trực tuyến...