Ứng phó biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam
Điều tra, khảo sát là một phương pháp hữu hiệu, được nhiều người sử dụng để phân tích về kinh tế. Để nghiên cứu thực trạng ứng phó biện pháp chống trợ cấp, tác giả sử dụng phương pháp điều tra, khảo sát nhằm làm sáng tỏ những nhận định trong nghiên cứu định tính. Bài viết này phân tích thực trạng ứng phó biện pháp chống trợ cấp giai đoạn 2009 - 2024 dựa trên kết quả điều tra, khảo sát, từ đó đề cập đến một số vấn đề đặt ra trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Trong nghiên cứu kinh tế, có nhiều phương pháp khác nhau, trong đó có phương pháp điều tra, khảo sát được sử dụng phổ biến để phân tích, đánh giá thực trạng một vấn đề. Thông qua phân tích các số liệu kết quả điều tra, khảo sát chuyên gia, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hoá, tác giả nghiên cứu thực trạng ứng phó biện pháp chống trợ cấp (CTC) đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2009-2024. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đề cập một số vấn đề đặt ra trong việc ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá hoá xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới trong bối cảnh các nước gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nói chung và CTC nói riêng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Phương pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu này, phương pháp điều tra theo kiểu chọn mẫu ngẫu nhiên từ các đối tượng chuyên gia, DN và lập ra 350 phiếu (220 phiếu phỏng vấn chuyên gia và 130 phiếu phỏng vấn DN) trên địa bàn cả nước để tiến hành điều tra, khảo sát. Bảng câu hỏi điều tra, khảo sát được thiết kế gồm 03 phần chính: (i) Thông tin chung về chuyên gia/DN; (ii) Thực trạng ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam; (iii) Gợi ý về giải pháp ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Thời gian tiến hành điều tra, phỏng vấn từ tháng 6/2024 đến tháng 8/2024. Phương pháp xử lý số liệu được thực hiện theo phương pháp bình quân giá trị số tương ứng của các câu trả lời trong toàn mẫu cho từng hạng mục được hỏi và chia nhóm mẫu nghiên cứu có chủ đích để đánh giá khác biệt về điểm trung bình theo thời kỳ ứng phó biện pháp CTC trong giai đoạn 2009 - 2024.
Để tiến hành điều tra, khảo sát chuyên gia và DN về ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tác giả đã phát ra 350 bảng câu hỏi, nhận về 336 bảng câu hỏi, có 321 bảng câu hỏi đủ tiêu chuẩn xử lý (Bảng 1). Trong đó, có 209 chuyên gia và 112 DN trả lời câu hỏi đủ tiêu chuẩn xử lý.
Kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát và phân tích, nghiên cứu chỉ ra một số kết quả đạt được và hạn chế trong ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Kết quả đạt được
Ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam giai đoạn 2009 - 2024 đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, pháp luật PVTM của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu
Theo kết quả điều tra, khảo sát chuyên gia và DN về các giải pháp ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, pháp luật PVTM của Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tỷ lệ đánh giá về mức độ hoàn thiện pháp luật PVTM đạt điểm trung bình 3,14 (Bảng 2).
Hiện nay, pháp luật PVTM của Việt Nam quy định cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và DN trong xử lý các vụ kiện PVTM nói chung và CTC nói riêng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, pháp luật PVTM tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu. Tỷ lệ đánh giá về pháp luật PVTM tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó biện pháp CTC đạt điểm trung bình 3,24 (Bảng 3).
Thứ hai, ứng phó khá thành công biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu.
Trong giai đoạn 2009 - 2024, Việt Nam đã ứng phó thành công một số vụ kiện CTC đối với hàng hóa xuất khẩu. Theo kết quả điều tra, khảo sát, tỷ lệ đánh giá về việc Chính phủ ứng phó thành công biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu đạt 3,07 điểm.
Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, Việt Nam đã ứng phó khá thành công các vụ điều tra và áp dụng biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu, đưa ra các bằng chứng, lập luận chứng minh được Chính phủ Việt Nam không trợ cấp. Chẳng hạn như trong một số vụ việc Hoa Kỳ điều tra CTC đối với các sản phẩm thép, túi nhựa PE, tôm nước ấm đông lạnh… nhập khẩu từ Việt Nam, chứng minh được nhiều chương trình/chính sách không trợ cấp hoặc trợ cấp ở mức độ thấp. Trong hầu hết các vụ việc Canada điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, cơ quan điều tra của Canada đều có kết luận chung là DN của Việt Nam không nhận trợ cấp hoặc nhận được trợ cấp với mức độ không đáng kể. Nhờ đó, các DN xuất khẩu không bị áp thuế CTC hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Có thể khẳng định, Việt Nam đạt được thành công trong ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu là do Chính phủ chủ động ứng phó và hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nước ngoài trong quá trình điều tra CTC. Tỷ lệ đánh giá về việc Chính phủ chủ động ứng phó biện pháp CTC đạt 3,46 điểm và Chính phủ hợp tác tích cực với cơ quan điều tra nước ngoài đạt 3,53 điểm.
Thứ ba, ứng phó kịp thời biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu.
Khi nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, các cơ quan chức năng đã ứng phó kịp thời biện pháp CTC để bảo vệ DN, ngành hàng xuất khẩu. Tỷ lệ đánh giá về việc Chính phủ ứng phó kịp thời biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu đạt 2,67 điểm (Bảng 4).
Thứ tư, đạt được kết quả tích cực trong công tác ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu.
Công tác ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ đánh giá về việc Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong công tác ứng phó biện pháp đối với hàng hóa xuất khẩu đạt 2,70 điểm (Bảng 5).
Ứng phó biện pháp CTC giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như ống thép, thép mạ nhôm kẽm, sợi polyester tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… với thuế suất CTC bằng 0% hoặc ở mức rất thấp. Trong quá trình xử lý các vụ việc này, Bộ Công Thương thông qua nhiều kênh khác nhau trao đổi, thảo luận, đề xuất với Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ và EU để tìm kiếm giải pháp cho vụ việc, đảm bảo lợi ích của DN.
Thứ năm, năng lực ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng lên.
Trong giai đoạn 2009-2024, Việt Nam ứng phó với 27 vụ kiện CTC từ 5 thị trường là Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ và EU. Trong số đó, một số vụ kiện hàng xuất khẩu Việt Nam không bị áp thuế CTC hoặc bị áp thuế CTC ở mức rất thấp. Qua đó, năng lực ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ đánh giá về năng lực ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 3,22 điểm (Bảng 6).
Bảng 1: Mô tả mẫu nghiên cứu (N = 321) |
||
Thành tố |
Kết quả |
|
|
Số lượng |
Tỷ lệ (%) |
Giới tính |
321 |
100,00 |
Nam |
165 |
51,40 |
Nữ |
156 |
48,60 |
Độ tuổi |
321 |
100,00 |
< 24 |
27 |
8,41 |
24 - 40 |
128 |
39,88 |
> 40 |
154 |
47,98 |
> 60 |
12 |
3,74 |
Trình độ văn hoá |
321 |
100,00 |
Cao đẳng, đại học |
163 |
50,78 |
Sau đại học (Thạc sĩ, tiến sĩ) |
158 |
49,22 |
Vị thế điều tra |
321 |
100,00 |
Chuyên gia (ở các cơ quan QLNN, hiệp hội ngành hàng) (N1 = 209) |
209 |
65,11 |
Nhà DN và quản trị kinh doanh (N2 = 112) |
112 |
34,89 |
Nguồn: Kết quả điều tra, khảo sát chuyên gia và DN về các giải pháp ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam
Bảng 2: Tỷ lệ đánh giá về mức độ hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- chưa hoàn thiện; 5- rất hoàn thiện) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Mức độ hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam |
7,48 |
22,12 |
34,58 |
20,87 |
14,95 |
3,14 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 7: Tỷ lệ đánh giá về chất lượng bản trả lời bản câu hỏi điều tra trong các vụ việc điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- kém; 5- rất tốt) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Chất lượng bản trả lời câu hỏi điều tra trong các vụ việc điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
16,20 |
36,76 |
36,14 |
6,54 |
4,36 |
2,46 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 3: Pháp luật PVTM tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- ít; 5- rất nhiều) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Pháp luật PVTM của Việt Nam tạo hành lang pháp lý cho hoạt động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hóa xuất khẩu |
6,85 |
20,56 |
34,27 |
21,18 |
17,76 |
3,24 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 4: Tỷ lệ đánh giá về việc Chính phủ ứng phó kịp thời biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- chưa kịp thời; 5- rất kịp thời) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Chính phủ ứng phó kịp thời biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
6,85 |
33,33 |
49,22 |
7,17 |
3,43 |
2,67 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 5: Tỷ lệ đánh giá về kết quả tích cực trong công tác ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- chưa tích cực; 5- rất tích cực) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong công tác ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu |
3,74 |
46,11 |
34,27 |
8,41 |
7,48 |
2,70 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 6: Tỷ lệ đánh giá về năng lực ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- chưa nâng lên; 5- nâng lên rất nhiều) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Năng lực ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
2,80 |
23,68 |
36,76 |
22,43 |
14,33 |
3,22 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 8: Tỷ lệ đánh giá về thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra trong các vụ việc điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- chưa đúng hạn; 5- rất đúng hạn) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Thời hạn trả lời câu hỏi điều tra trong các vụ việc điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
21,18 |
32,40 |
38,01 |
4,98 |
3,43 |
2,37 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 9: Tỷ lệ đánh giá về thời gian xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam bị kéo dài |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- kéo dài ít; 5- kéo dài nhiều) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Thời gian xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
20,25 |
24,30 |
36,76 |
13,40 |
8,41 |
2,75 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 10: Tỷ lệ đánh giá về việc Chính phủ và DN chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- ít chủ động; 5- rất chủ động) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Chính phủ và DN chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
8,10 |
31,93 |
32,24 |
15,42 |
12,31 |
2,92 |
Chính phủ chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
3,74 |
14,95 |
33,96 |
26,17 |
21,18 |
3,46 |
DN chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
12,46 |
48,91 |
30,53 |
4,67 |
3,43 |
2,38 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Bảng 11: Tỷ lệ đánh giá về hiệu quả ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
||||||
Tiêu chí tiếp cận thông tin |
Tỷ lệ đánh giá điểm (%) (1- hiệu quả thấp; 5- hiệu quả rất cao) |
Điểm trung bình |
||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
||
Hiệu quả ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam |
5,92 |
55,45 |
29,28 |
6,54 |
2,80 |
2,45 |
Nguồn: Xử lý dữ liệu điều tra bằng Excel
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, ứng phó biện pháp CTC đối với xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam giai đoạn 2009 - 2024 còn những hạn chế sau:
Thứ nhất, chất lượng bản trả lời câu hỏi điều tra trong các vụ việc điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu nhìn chung chưa được tốt.
Theo kết quả điều tra, khảo sát, chất lượng bản trả lời câu hỏi điều tra trong các vụ điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung chưa được tốt. Tỷ lệ đánh giá về chất lượng bản trả lời câu hỏi điều tra trong các vụ điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu đạt 2,46 điểm (Bảng 7).
Cùng với việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, số lượng các vụ việc điều tra CTC đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng lên và các cơ quan điều tra nước ngoài có xu hướng áp dụng các thủ tục, quy trình chặt chẽ hơn thì việc không đáp ứng được chất lượng thông tin sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của vụ việc. Trong một số vụ việc điều tra CTC của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, chất lượng của bản trả lời câu hỏi chưa được tốt. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở dữ liệu thông tin liên ngành còn hạn chế, tính nhất quán của thông tin được cung cấp.
Thứ hai, trả lời bản câu hỏi điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu còn chậm.
Trong một số vụ việc điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, bản câu hỏi điều tra liên quan đến nhiều chương trình/chính sách thuộc nhiều lĩnh vực bị cáo buộc là trợ cấp cần nhiều cơ quan chức năng tham gia và mất nhiều thời gian nên trả lời bản câu hỏi chưa đúng hạn. Trong một vài vụ việc, cơ quan chức năng của Việt Nam phải xin gia hạn. Tỷ lệ đánh giá về thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu đạt 2,37 điểm (Bảng 8).
Thứ ba, thời gian xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam còn bị kéo dài.
Theo kết quả điều tra, khảo sát, thời gian xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam còn bị kéo dài. Tỷ lệ đánh giá về thời gian xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam bị kéo dài đạt 2,75 điểm (Bảng 9).
Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn tồn tại một số hạn chế, dẫn đến thời gian xử lý các vụ việc điều tra CTC của nước ngoài bị kéo dài. Trong đó, hạn chế lớn nhất là việc không đáp ứng các thời hạn đặt ra của cơ quan điều tra nước ngoài như thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra, thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra bổ sung… Việc không đáp ứng được thời gian do cơ quan điều tra nước ngoài đưa ra ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của vụ việc.
Thứ tư, chưa hoàn toàn chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Trong xử lý các vụ kiện CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 2009-2024, Chính phủ và DN chưa hoàn toàn chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ đánh giá về việc Chính phủ và DN chủ động ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,92 điểm (Bảng 10).
Đặc điểm chung của các vụ kiện CTC là Chính phủ, DN Việt Nam chưa hoàn toàn chủ động trong việc ứng phó với các vụ kiện và thiếu thông tin về vụ kiện. Không những thế, đa phần các DN không biết về khả năng sẽ xảy ra vụ kiện CTC nên thiếu sự chuẩn bị từ trước khi vụ kiện diễn ra, do đó kết quả đạt được không như mong muốn. Ngoài ra, do thời gian trả lời bản câu hỏi là rất ngắn (chỉ khoảng 30 - 40 ngày tùy từng nước điều tra) nên DN chưa có đủ thời gian để thu thập hết các thông tin, số liệu cung cấp cho cơ quan điều tra nước ngoài trong khi đây là thời điểm quan trọng nhất. Việc cung cấp bản trả lời không đầy đủ, chính xác sẽ làm tăng nguy cơ bị cơ quan điều tra nước ngoài áp dụng các dữ liệu sẵn có bất lợi khi tính toán biên độ trợ cấp dẫn đến thuế CTC cao, ảnh hưởng đến xuất khẩu của DN.
Thứ năm, hiệu quả ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa cao.
Ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được hiệu quả bước đầu, tuy nhiên đến thời điểm này hiệu quả thu được vẫn chưa cao. Tỷ lệ đánh giá về hiệu quả ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,45 điểm.
Việc xử lý vụ việc CTC mới chỉ dừng ở các nỗ lực của Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương cùng một số hiệp hội và DN, về cơ bản mới tập trung xử lý được “phần ngọn” của vấn đề. Hơn nữa, mặc dù các văn bản pháp luật đã quy định việc phối hợp giữa các đơn vị trong công tác ứng phó vụ việc, song việc triển khai trên thực tế còn gặp một số vướng mắc nhất định do đây là lĩnh vực mới hơn nữa việc tham gia kháng kiện đòi hỏi kiến thức chuyên môn cũng như đầu tư nhiều thời gian để xử lý.
Một số cơ quan liên quan và DN hợp tác chưa tốt trong trả lời bản câu hỏi và xử lý vụ việc khiến một số vụ việc hàng Việt Nam bị áp thuế CTC ở mức cao. Vì vậy, ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam chưa đạt hiệu quả cao.
Một số vấn đề đặt ra
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đặt trong bối cảnh các nước gia tăng các biện pháp PVTM nói chung, CTC nói riêng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, có một số vấn đề đặt ra trong thời gian tới:
Một là, nâng cao chất lượng bản trả lời câu hỏi điều tra trong các vụ việc điều tra CTC đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Chất lượng bản trả lời câu hỏi điều tra có ảnh hưởng tới quyết định của cơ quan điều tra, ảnh hưởng tới kết quả của vụ việc.
Hai là, rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra CTC đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (rút ngắn thời gian trả lời bản câu hỏi điều tra, rút ngắn thời gian trả lời bản câu hỏi điều tra bổ sung…).
Ba là, chủ động ứng phó với các vụ kiện CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Chính phủ và DN chủ động với các vụ kiện CTC, có sự chuẩn bị tốt cho việc xử lý vụ kiện, do đó sẽ đạt được kết quả tốt.
Bốn là, nâng cao hiệu quả ứng phó biện pháp CTC đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Khi hiệu quả ứng phó biện pháp CTC được nâng lên sẽ bảo vệ được DN, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Công Thương (2021), Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
- Bộ Công Thương (2024), Báo cáo về quy định phòng vệ thương mại mới của Hoa Kỳ và những tác động dự kiến đối với Việt Nam, Báo cáo tháng 4/2024;
- Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương (2020), Đề án tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong xử lý vụ việc phòng vệ thương mại;
- Cục Phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương (2021), Đề án nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới;
- Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương (2024), Thực tiễn ứng phó các vụ kiện phòng vệ thương mại nước ngoài và giải quyết tranh chấp đối với hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam, Cần Thơ - Tháng 4/2024;
- Lê Thị Mai Anh (2023), “Nâng cao năng lực ứng phó với phòng vệ thương mại cho DN xuất khẩu Việt Nam”, https://tapchitaichinh.vn/.
- Xuân Anh (2024), “Nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại cho DN”, https://baotintuc.vn/.