Uniqlo sắp vượt Zara trở thành hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới?
Nhiều khả năng Uniqlo sắp vượt Zara trở thành thương hiệu bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới.
Fast Retailing – công ty Nhật Bản là chủ thương hiệu quần áo Uniqlo đang dần thu hẹp khoảng cách với Zara – nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới xét về vốn hóa thị trường. Hiện tại, các nhà đầu tư đều đang rất hài lòng với sự hiện diện dẫn đầu của họ ở thị trường Trung Quốc.
Trong bối cảnh doanh số bán quần áo giảm mạnh tại Mỹ và châu Âu – vốn là những thị trường chủ chốt của Zara thì sự sụt giảm doanh thu lại tương đối ít tại châu Á – nơi Fast Retailing có sự hiện diện cực kỳ nhiều. Giá cổ phiếu của họ đã ngay lập tức phản ứng với thực tế này.
Vốn hóa thị trường của Fast Retailing đã đạt 6,53 nghìn tỷ yên (60,9 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước. Trong khi đó, vốn hóa thị trường của Inditex – công ty mẹ của Zara đạt 9,17 nghìn tỷ yên.
Điều đáng nói là vốn hóa thị trường của Inditex từng lớn hơn gấp 300% so với Fast Retailing vào giai đoạn mùa hè năm 2017. Hiện tại, khoảng cách này được thu hẹp lại chỉ còn 40%.
Ảnh: Nikkei |
Cổ phiếu Inditex hiện đã giảm 23% kể từ cuối năm ngoái trong khi Fast Retailing chứng kiến cổ phiếu chỉ giảm 2% do những biến động gần đây.
Thị trường quần áo toàn cầu được dự đoán sẽ giảm 10,8% trong năm nay do ảnh hưởng của Covid-19. Sự sụt giảm sẽ xảy ra mạnh nhất ở Mỹ và Ý – cả 2 nơi chứng kiến mức giảm tới 20%. Mức sụt giảm 2 chữ số cũng được dự đoán ở nhiều nơi như Pháp giảm 18% và Tây Ban Nha là 11%.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu quần áo 7%. Trong khi đó, Fast Retailing lại có sự hiện diện mạnh mẽ tại đây, chỉ sau Bestseller của Đan mạch và Adidas của Đức. Uniqlo có 745 cửa hàng tại Trung Quốc tính tới cuối tháng 5, trong khi đó con số tương tự của Inditex là 560.
Ngày thứ 6 vừa qua, Uniqlo cũng đã khai trương cửa hàng dẫn đầu toàn cầu của họ mang tên Uniqlo Tokyo ở quận Ginza, trung tâm Tokyo.
Chiếm 4 sàn trong trong tâm thương mại hiện đại Marronnier Gate Ginza, Uniqlo Tokyo được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Kashiwa Sato. Đây trở thành cửa hàng lớn nhất của hãng, cạnh tranh với cửa hàng Uniqlo Ginza gần đó.
Cửa hàng mới được trang bị thêm khu vui chơi trẻ em và những hình nghệ thuật cũng như một quảng trường LifeWear. Việc này nhắm tới phổ biến hóa thương hiệu LifeWear.
"Tôi đang muốn thay đổi ngành công nghiệp quần áo toàn cầu đã tồn tại trong hàng thập kỷ", Tadashi Yanai – Chủ tịch Fast Retailing nói.
Uniqlo Tokyo cũng sẽ trang bị các công nghệ kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm mua sắm. "Suy nghĩ của chúng tôi sẽ trở thành trọng tâm của thế giới".
Cửa hàng tại Ginza sẽ là cửa hàng vật lý đầu tiên bán đồ chăn, gối đệm khi mà trước đây chỉ có trên nền tảng mua sắm trực tuyến của Uniqlo.
"Một cửa hàng quần áo có thể tạo nên thành công với thương mại điện tử" Takahiro Kinoshita - Phó chủ tịch công ty nói.
Đại dịch đang làm thay đổi cách người tiêu dùng nghĩ về quần áo với các mảng kinh doanh như bộ đồ suits sẽ sụt giảm. "Do sự tăng lên của hình thức làm việc từ xa, nhu cầu với quần áo cao cấp sẽ giảm". Điều này tạo ra lợi thế cho Uniqlo bởi các dòng sản phẩm có thể mặc lâu dài của họ.
"Nhiều khả năng Fast Retailing sẽ vượt qua Inditex", Dairo Murata - chuyên gia phân tích đến từ JPMorgan Nhật Bản nói.
Các đối thủ cạnh tranh của Fast Retaling dĩ nhiên cũng đang nỗ lực giữ thị phần. Inditex nói vào tuần trước rằng họ sẽ đóng 1.200 cửa hàng trên toàn thế giới trong năm tới. Tuy nhiên, kế hoạch này nhắm tới hầu hết những cửa hàng nhỏ và công ty đang tính mở 450 cửa hàng cỡ lớn để trang bị những tính năng công nghệ cải thiện trải nghiệm mua sắm.
Dù Covid-19 làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, Fast Retailing dự kiến đạt doanh thu 2,09 nghìn tỷ yên trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8. Con số này vẫn rất nhỏ so với doanh thu mà Inditex báo cáo trong năm tài chính kết thúc vào tháng 2/2020, lên tới 3,4 nghìn tỷ yên.
"Tôi rất mong muốn vượt qua được hình thức bán lẻ đã tồn tại trong kỷ nguyên này và tạo ra một mô hình kinh doanh mới", Yanai nói.