Mỹ - Trung kiểm soát khủng hoảng thương mại

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Trong cuộc đàm phán thương mại mới đây giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm hạ nhiệt căng thăng thời gian qua, hai bên đã đạt đồng thuận trong một số vấn đề, song vẫn còn những bất đồng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Điều đáng nói, kết quả này cũng như tình trạng căng thẳng hiện nay đều được duy trì một cách đầy chủ ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng thuận hạn chế

Trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài 2 ngày tại Trung Quốc giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, hai bên đã tập trung thảo luận về một loạt khiếu nại của Mỹ liên quan đến hoạt động thương mại của Trung Quốc, từ việc Bắc Kinh ép buộc các công ty chuyển giao công nghệ, đến những khoản trợ cấp chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ, cũng như trao đổi quan điểm về mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc.

Tại cuộc đàm phán, phái đoàn thương mại Mỹ mong muốn Trung Quốc lập tức giảm tình trạng mất cân bằng thương mại song phương và chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ trước năm 2020, cắt giảm thuế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng xuống mức không cao hơn biểu thuế của Mỹ.

Về phía Trung Quốc, phái đoàn nước này đã đưa ra một gói biện pháp ngắn hạn gồm loại bỏ yêu cầu về tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong các liên doanh đối với một số ngành, cắt giảm thuế áp lên mặt hàng ô tô, và gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhằm trì hoãn quyết định của Mỹ về áp đặt thuế lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD.

Kết thúc đàm phán, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại như cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ, song giữa hai bên vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác.

Con bài gây sức ép

Trên thực tế, diễn biến và kết quả tham vấn không khiến giới chuyên gia kinh tế ngạc nhiên. Điều đáng bàn, đây là dự liệu của không chỉ giới phân tích mà còn của chính Tổng thống Mỹ Donald Trump và ban lãnh đạo Trung Quốc.

Tình thế “bên miệng hố chiến tranh” thương mại là nằm trong chủ ý của Mỹ để từ đó Washington có lợi thế mặc cả trong các cuộc đàm phán. Thực tế đã chứng minh điều này.

Không phải ngẫu nhiên Mỹ đồng ý tham vấn Trung Quốc ngay trước thời điểm tuyên bố lùi áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 30 ngày (cho tới 1/6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Tín hiệu Tổng thống Trump muốn gửi tới Trung Quốc qua quyết định này là mọi vấn đề đều có thể thương lượng và linh hoạt. Ngoài ra, đây cũng là động thái giúp Washington không bị quá “căng” trong cuộc tham vấn với Bắc Kinh sau khi đã tạm “dàn hòa” với đối tác truyền thống châu Âu, tránh được các biện pháp trả đũa của EU. 

Là một tỷ phú đi lên từ hoạt động kinh doanh, Tổng thống Donald Trump thừa hiểu những thiệt hại khi gây gổ với các bạn hàng, đối tác thương mại lớn như Trung Quốc hay EU. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không thể giải quyết tất cả những bất đồng thương mại với Trung Quốc trong “cuộc chiến” thuế quan, Mỹ sẽ để mất gần 455.000 việc làm và khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm giảm 49,2 tỷ USD trong hai năm tới đây.

Nông nghiệp được cho là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Trade Partnership Worldwide, LLC, nông dân Mỹ sẽ mất 15% tổng thu nhập từ nông trại và khoảng 181.000 người mất việc làm.

Ngay cả khi Trung Quốc không có hành động đáp trả, riêng việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD sẽ khiến Washington để mất 76.000 việc làm và GDP tổn thất 1,6 tỷ USD. Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghệ khách hàng Gary Shapiro nhận định, mọi chi phí gia tăng đổ lên đầu nông dân, nhà máy sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ, cho thấy “chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm suy yếu nước Mỹ”.

Trong khi đó, thiệt hại của phía Trung Quốc cũng không hề nhỏ. Theo báo cáo của tổ chức The Conference Board (Mỹ), chiến tranh thương mại Mỹ - Trung  sẽ gây bất lợi trực tiếp hơn cho Trung Quốc. Báo cáo này được xây dựng dựa trên những số liệu về xuất khẩu. Cơ quan xuất khẩu của Mỹ và các nước phát triển khác sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn từ sự phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo báo cáo này, giá trị gia tăng xuất khẩu của Mỹ và EU đối với Trung Quốc lần lượt tương đương 0,7% và 1,6% so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi bên. Cho dù đó là Nhật Bản, quốc gia láng giềng của Trung Quốc thì con số này cũng chỉ 2,1%. Trong khi đó, giá trị gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc đối với Mỹ hầu như tương đương 3% GDP. Điều này cho thấy nếu nổ ra xung đột thương mại với Mỹ, tổn thất của Trung Quốc sẽ lớn hơn.

Không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ở góc độ vĩ mô, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Riêng đối với các quốc gia Đông Nam Á, căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là một những mối quan ngại lớn nhất.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đặc biệt quan ngại về sự nổi lên của xu hướng bảo hộ và quan điểm chống toàn cầu hóa, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc hiện là hai đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước ASEAN.

Chính vì vậy, các nhà phân tích nhận định những cái đầu lạnh tại Bắc Kinh và Washington không bao giờ cho phép sự kiện vượt tầm kiểm soát. Vấn đề chỉ là thời gian và mức độ nhượng bộ để hài hòa lợi ích của các bên, đặc biệt là với Mỹ.