Ưu tiên 3 động lực tăng trưởng trong năm 2024
Năm 2024, việc củng cố và thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, đặc biệt 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn được ưu tiên.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với DĐDN về những mũi nhọn tăng trưởng trong năm 2024 để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5% theo Nghị quyết 103/2023/QH15.
Phóng viên: Quốc hội đã đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%, theo bà làm thế nào để đạt được kỳ vọng này?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến: Để có thể đạt được mục tiêu trên, Quốc hội đã kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt 12 nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng.
Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả...
Phóng viên: Vậy đâu sẽ là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024, thưa bà?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến: Trong năm 2024, việc củng cố và thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính, đặc biệt 3 động lực về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn được ưu tiên.
Đối với đầu tư, sẽ đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngày từ những tháng đầu năm 2024, vì đây là nguồn lực rất lớn để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm cũng như 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm, xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững.
Về các dự án trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết ngày 31/12/2024. Đây là những động lực giúp tăng trưởng trong năm 2024.
Đối với tiêu dùng, theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế VAT để thúc đẩy thị trường tiêu dùng, cũng như tạo động lực tăng trưởng từ các hoạt động tiêu dùng.
Đối với thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đồng thời giao Chính phủ ban hành Nghị quyết để tiếp tục duy trì sự hấp dẫn và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt với lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mới.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu cũng như các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, năm 2024 vẫn tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh những ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo, chế biến, sản xuất chíp bán dẫn để trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục cơ cấu lại các khu vực nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt với những ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển thị trường, đảm bảo chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Đối với ngành dịch vụ, ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch. Đối với chính sách tiền tệ, sẽ phối hợp đồng bộ, hài hoà với chính sách tài khoá nhằm giảm mặt bằng lãi suất, đơn giản hoá thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng.
Đối với những lĩnh vực mới, nội ngành sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sự chống chịu của nền kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, các mô hình kinh doanh có hiệu quả…
Phóng viên: Bà nhận định như thế nào về “sức khoẻ” cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024?
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Yến: Hiện nay, nếu xét về tốc độ tăng trưởng và những tín hiệu trên thị trường cũng như các nguồn lực đang được đưa vào trong nền kinh tế, chúng ta có thể nhận thấy tốc độ phát triển đang rất khả quan, quý sau cao hơn quý trước, niềm tin đối với thị trường, môi trường đầu tư tiếp tục được tăng cường và củng cố.
Các hoạt động trong nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thu hút các nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực đang cần tái cơ cấu hoặc cơ cấu lại, những lĩnh vực mới vẫn đang được tiếp tục bổ sung. Việc cơ cấu lại các thị trường trong đó có thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Từ đó, tôi có niềm tin nếu những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Quốc hội đề ra trong Nghị quyết 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 chúng ta hoàn thành tốt và hiệu quả thì chắc chắn những mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024 sẽ đạt được, đồng thời góp phần vào thành công cho cả nhiệm kỳ 2021-2025.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà!