Phát triển 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Minh Thư

Ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Địa bàn triển khai Đề án gồm 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long
Địa bàn triển khai Đề án gồm 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long

Địa bàn triển khai Đề án gồm 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, với diện tích 01 triệu héc-ta.

Quyết định số 1490/QĐ-TTg nêu rõ mục tiêu chung đến 2030, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hình thành 01 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Các mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, về quy mô, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 180.000 héc-ta. Về canh tác bền vững, tại các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100 kg/héc-ta, giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Mục tiêu đến năm 2030, về quy mô, dện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Về canh tác bền vững, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Đề án gồm: Lựa chọn, xây dựng vùng tham gia Đề án; Rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; Tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực; Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; Huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới; Áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành; Triển khai các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên (Phụ lục kèm theo).

Trong đó, về huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới, Quyết định số 1490/QĐ-TTg  nêu rõ, huy động sự hỗ trợ từ các quỹ, các tổ chức quốc tế, các Chính phủ và tổ chức phi chính phủ, đại sứ quán các nước để triển khai có hiệu quả Đề án; Tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản các-bon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg, nguồn vốn thực hiện Đề án gồm: Nguồn ngân sách nhà nước trung ương và địa phương; Nguồn tín dụng, nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; Các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn hỗ trợ quốc tế khác; Nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.