Ưu tiên cho những lựa chọn phát triển bền vững

Theo Đình Nam/baochinhphu.vn

Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể, trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”, sáng 17/12, tại TP. Đà Nẵng.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam luôn xác định phát triển bền vững vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu. Thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển toàn diện, đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs), tạo ra những thay đổi to lớn trong xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người dân; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển.  

Mới đây, tại Diễn đàn chính trị cấp cao 2018 về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (HLPF 2018), Chính phủ Việt Nam đã có Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện. Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhấn mạnh phát triển bền vững là sự lựa chọn đúng đắn nhất, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng điều này cũng đặt ra nhiều thách thức với tất cả các quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Dù đã ra khỏi tình trạng kém phát triển nhưng Việt Nam vẫn còn là một nước thu nhập trung bình thấp, chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có tốc độ già hóa dân số thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cùng với đó, sức ép tăng trưởng kinh tế trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp đã dẫn tới không ít nơi chưa chú trọng đúng mức tới bảo vệ môi trường, tới các vấn đề xã hội.

"Đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để bắt kịp các nước đi trước nhưng Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội", Phó Thủ tướng chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương tham dự hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương tham dự hội nghị.

Để triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững. Luật pháp, chính sách cần thể hiện các nội dung cơ bản của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.

Việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 cần được tăng cường kiểm tra, giám sát. Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các chính sách, chương trình, phong trào thi đua. Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, HĐND các cấp thực hiện các chương trình giám sát thực hiện các cam kết quốc tế, các quy định của pháp luật về phát triển bền vững.

Cùng với đó, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; trồng và bảo vệ rừng. Xây dựng các chính sách cụ thể khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh. Thực hiện tốt các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính; sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Trong quá trình thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững, cần chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực sáng tạo quốc gia và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, nhất là trong kết nối hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, theo dõi, giám sát, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững.