Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn
Hiện nay, cả nước đang thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia với các giải pháp huy động nguồn vốn phù hợp, trong đó ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị việc thực hiện tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển. Do vậy, cần có cơ chế huy động vốn phù hợp, tăng cường hỗ trợ cho các xã khó khăn.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2021-2025, cả nước đang thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mỗi chương trình đều có giải pháp huy động nguồn vốn phù hợp, trong đó ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện nghèo, xã đặc biệt biệt khó khăn.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sử dụng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn mới, vốn tín dụng chính sách, vốn doanh nghiệp, huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng; giải pháp huy động vốn được quy định tại điểm đ khoản 2 mục V ban hành kèm theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng chính sách, huy động hợp pháp khác; giải pháp huy động vốn được quy định tại khoản 2 mục V ban hành kèm theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 6 Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021, Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sử dụng ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, huy động hợp pháp khác; giải pháp huy động vốn được quy định tại khoản 2 mục V ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 12, Điều 13 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Phát triển Việt Nam để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước. Dự thảo Nghị định này đã được các thành viên Chính phủ thống nhất thông qua và hiện nay đang rà soát trình Chính phủ ký ban hành, phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ về phương án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Theo đó, danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư tại dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung: “Dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng, cải tạo, nâng cấp công trình đường bộ, công trình đường sắt, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không” và sửa đổi “Các dự án đầu tư tổ chức thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi ngang (không bao gồm dự án nhiệt điện than, sản xuất xi măng, sắt thép...”.
Trường hợp Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32/2017/NĐ-CP với Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư như dự thảo nêu trên, các dự án đầu tư lĩnh vực giao thông (bao gồm cả dự án ở địa bàn khó khăn) sẽ thuộc đối tượng của Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và được Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định việc cho vay vốn theo quy định của pháp luật.
Theo các quyết định phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc lĩnh vực giao thông, hướng dẫn và chỉ đạo các địa phương thực hiện các tiêu chí về giao thông thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng quy định về ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021-2025; các bộ là cơ quan chủ trì chương trình có trách nhiệm tổng hợp, đề xuất kế hoạch và dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và hằng năm; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu, dự kiến phân bổ kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện chương trình vào kế hoạch 05 năm và kế hoạch hằng năm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật; Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì xây dựng kế hoạch hằng năm, tổng hợp kinh phí chi sự nghiệp.
Do đó, trường hợp quá trình thực hiện có khó khăn thực hiện tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn bố trí, nguồn vốn huy động, Bộ Tài chính đề nghị Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hòa Bình phản ánh đến các bộ, cơ quan chủ quản các chương trình, dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giao thông vận tải...) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.