Nông thôn mới tỉnh Hậu Giang đi vào chiều sâu
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Hậu Giang. Việc xây dựng này ngày càng đi vào chiều sâu, thật chất với mục tiêu tăng chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Tiến tới Nông thôn mới nâng cao
Chạy dọc con lộ vào ấp 9, ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, phần lớn hai bên được trồng hoa, hàng rào cây xanh thẳng tắp, rất đẹp mắt. Sự đồng lòng của người dân trong xây dựng NTM đã giúp cho bộ mặt nông thôn ngày thêm đổi mới. Như một thói quen, mỗi tuần một lần, ông Lê Văn Hai, ở xã Vị Thắng, lại mang kéo ra để cắt, tỉa hàng rào cây xanh trước nhà.
Ông Lê Văn Hai bày tỏ: “Gia đình tôi cũng trồng hoa, kiểng, làm hàng rào cây xanh. Đối với rác thải sinh hoạt hàng ngày của gia đình, sau khi phân loại, rác hữu cơ được ủ làm phân, bón cho cây trồng, còn rác vô cơ được thu gom lại cho vào hố chôn lấp. Thấy mình làm, người dân lân cận làm theo. Dân cũng phấn đấu, tham gia cùng chính quyền trong xây dựng NTM, tiến tới NTM nâng cao để quê hương ngày càng tươi đẹp”.
Không chỉ chú trọng đến cảnh quan môi trường, xã Vị Thắng còn quan tâm, phát triển HTX. Khi mới công nhận trên địa bàn chỉ có 4 HTX, đến nay đã tăng lên 6 HTX nông nghiệp, hoạt động theo đúng luật HTX năm 2012, có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể và hoạt động hiệu quả. Đơn cử là HTX nông nghiệp Hai Huynh, khi thành lập có 20 thành viên góp vốn, sau hơn 4 năm hoạt động, hiện HTX phát triển trên 100 thành viên, diện tích 1.300 công tầm lớn. Ngoài hoạt động dịch vụ bơm tưới, HTX còn cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, sản xuất lúa và ký kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp. Toàn bộ quy trình sản xuất được áp dụng tối đa cơ giới hóa.
Ông Trần Văn Huynh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hai Huynh, cho biết: Vụ lúa Hè thu vừa rồi, HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng để làm lúa thương phẩm với giống 5451, diện tích 250 công, giá bao tiêu cho người dân 6.000 đồng/kg, năng suất mỗi công từ 1 tấn đến 1,1 tấn. Dự kiến vụ Đông xuân tới ký hợp đồng bao tiêu với công ty giá 8.000 đồng/kg, toàn bộ lúa được cấy bằng máy. Trong đó, thành viên HTX phụ trách bơm nước, làm đất, chăm sóc, phân thuốc đến thu hoạch, còn doanh nghiệp thực hiện khử lẫn, cấy… Thành viên nào thống nhất thì làm.
“Để thúc đẩy cho HTX phát triển bền vững, HTX đã hùn 400 triệu đồng để đầu tư 2 trạm bơm, qua 4 năm đã thu hồi vốn. Ngoài ra, năm 2021 HTX được hỗ trợ xây dựng nhà kho chứa vật tư nông nghiệp diện tích 100m2 và đầu tư mới tuyến đường vào HTX gần 2km, nhờ đó mà mọi việc được thuận lợi hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất đáng kể cho người dân”, ông Trần Văn Huynh cho biết thêm.
Theo UBND xã Vị Thắng, tổng số tiêu chí xã tổ chức đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định là 19/19 tiêu chí, đạt 100%; đồng thời đã được Hội đồng thẩm định, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh thống nhất tái công nhận xã Vị Thắng đạt chuẩn xã nông thôn mới trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, cho biết: Phấn đấu đến năm 2024 phải hoàn thành 19 chỉ tiêu NTM nâng cao. Hiện địa phương đang đề nghị về trên hỗ trợ địa phương xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn 3,5m, vận động người dân làm đèn chiếu sáng. Tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để tăng thu nhập, tiêu chí số 10. Đây là tiêu chí quan trọng, phải trên 70 triệu đồng/người/năm mới đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo UBND xã Vị Thắng, ngoài tập trung cao độ làm cảnh quan, vệ sinh môi trường, tuyến đường đẹp, được trên hỗ trợ một số thùng chứa rác, UBND xã cũng đã xây dựng mô hình ở ấp 10 để triển khai thu gom, phân loại qua đó nhân rộng ra, phối hợp với công trình đô thị thu gom, xử lý rác. Về kinh tế hợp tác, hợp tác xã, Vị Thắng cơ bản đạt. Đặc biệt, việc nạo vét, đê bao cơ bản khép kín trong tưới tiêu sản xuất cho nông nghiệp là 100%. Địa phương cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Thủy thực hiện một số mô hình lúa giống chất lượng cao, xây dựng các mô hình điểm để tăng thu nhập cho người dân. Nổi bật như: nuôi cá thát lát; nuôi lươn thương phẩm, sinh sản; nuôi ếch sinh sản, nuôi cá ruộng…
Ông Nguyễn Văn Kính cho biết thêm: “Chúng tôi cố gắng làm sao để xây dựng được đội ngũ cán bộ từ xã đến ấp mạnh để hoạt động có hiệu quả, cũng như xây dựng mô hình cải cách hành chính, chính quyền thân thiện, phục vụ Nhân dân, đặc biệt qua bưu chính công ích, trả kết quả tận nhà. Địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt app HauGiang. Theo lộ trình, cố gắng đến hết tháng 9 này, phải cài đặt được trên 40% hộ dân. Thông qua app, người dân có phản ánh, đóng góp cho chính quyền để có điều chỉnh phù hợp, đưa quê hương ngày càng phát triển”.
Diện mạo đổi thay
Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 35 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao. 3 đơn vị cấp huyện là thành phố Ngã Bảy, huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. Tỉnh phấn đấu đến 2025 có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 16 tiêu chí và các xã, ấp đặc biệt khó khăn phải cơ bản hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu; những địa phương (xã, huyện) đã được công nhận đạt chuẩn tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Ông Huỳnh Thành Hữu - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, thông tin: Qua đánh giá và nắm tình hình, từ khi các xã NTM công nhận đến nay, trước tiên là thể hiện rõ được ý thức của người dân ở nông thôn ngày càng được nâng lên rõ, đặc biệt là họ ý thức được rác thải trong nông thôn và rác thải hộ gia đình. Thứ hai, người dân chỉnh trang lại cảnh quan môi trường. Thứ ba, liên kết tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Thứ tư, duy trì các tiêu chí, thường xuyên duy chí mang tính chính người dân sẽ làm. Đây là điều phấn khởi trong xây dựng nông thôn mới.
“Đối với các xã NTM, địa phương tập trung cho đề án Hậu Giang xanh của tỉnh. Đây là đề án rất thiết thực cho người dân kể cả ở nông thôn và thành thị, từng bước nâng cao nhận thức về môi trường ở nông thôn và đô thị. Tôi cho rằng, đây là điều rất phấn khởi”, ông Huỳnh Thành Hữu bày tỏ.