Ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, phục hồi sản xuất, kinh doanh

PV.

Chiều ngày 06/9/2021, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8/2021. Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ đã cung cấp cho báo chí một số nội dung trọng tâm tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.

Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2021 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 6/9.
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ tháng 8/2021 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 6/9.

Tại cuộc họp báo, thông báo về nội dung cuộc họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 8/2021, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2012-2024; dự án luật sửa đổi bổ sung 10 luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong tình hình dịch COVID-19 và một số nội dung quan trọng khác...

Theo đó, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu tác động do đại dịch COVID-19, song kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt khá; nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 8 tháng tăng 5,6%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng tăng 27,2% (xuất khẩu tăng 21,2%). Vốn FDI thực hiện đạt trên 11,58 tỷ USD, tăng 2%.  

Đặc biệt, an sinh xã hội và đời sống của người dân được đảm bảo. Đến nay đã có khoảng 15 triệu lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng số tiền 8,4 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 1,2 triệu lao động tự do với số tiền trên 2,1 nghìn tỷ đồng; có 37.000 hộ sản xuất kinh doanh được nhận hỗ trợ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo xuất cấp 134.000 tấn gạo hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, triển khai trên 2 triệu túi an sinh xã hội. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt là ngoại giao Vắc xin...

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại phiên họp các thành viên Chính phủ cho rằng, do những tác động nghiêm trọng của dịch bệnh, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đối với tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Trước bối cảnh đó, để đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trước mắt cần ưu tiên cao nhất cho việc sớm kiểm soát dịch bệnh, đồng thời từng bước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài. Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trong bối cảnh đã bao phủ vắc xin.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2021, phóng viên các cơ quan báo chí cũng đã đặt nhiều câu hỏi đối với các lãnh đạo các Bộ, ngành về những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, trước băn khoăn của phóng viên về việc mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, song việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa vẫn gặp rất nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm) và tất cả tuyến đường đều được phép lưu thông. Đối với những quy định không phù hợp, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu bãi bỏ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lực lượng Công an và Quân đội đã điều lực lượng vào TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam để hỗ trợ chống dịch COVID-19 thời gian qua, đại diện Bộ Công an cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã điều động hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 2.500 học viên các trường công an tham gia nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân phòng chống dịch; hơn 600 cán bộ y tế của công an tham gia điều trị COVID-19 tại các bệnh viện ở trong TP. Hồ Chí Minh và bệnh viện dã chiến của công an...

Trong khi đó, đại diện Bộ Quốc phòng cũng cho biết đã chỉ đạo các lực lượng duy trì hàng nghìn tổ, chốt, trong số đó, duy trì khoảng 1.900 tổ, chốt trên các tuyến biên giới, đường biển để kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19. Bên cạnh đó, duy trì hàng nghìn tổ chốt trong nội địa để tổ chức tuần tra kiểm soát, làm nhiệm vụ phục vụ cho việc cách ly tập trung ở các khu phong tỏa, khu điều trị và tuần tra, kiểm soát bảo đảm về an ninh trật tự, góp phần thực hiện nghiêm việc giãn các xã hội, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Bộ Quốc phòng cũng đã triển khai 190 khu cách ly tập trung ở các đơn vị, nhiều doanh trại bảo đảm ăn ở cho khoảng 290.000 lượt người, kịp thời điều động hàng nghìn y bác sĩ, kỹ thuật viên, điều động khoảng 600 tấn vật tư trang thiết bị y tế, thuốc men để chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Thành lập 11 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm và trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô khoảng trên 6.000 giường bệnh để trực tiếp chia sẻ, hỗ trợ giảm áp lực cho hệ thống y tế của địa phương. Triển khai trên 600 tổ quân y về các trạm y tế phường, xã tại TP. Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận...