Ưu tiên vốn ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực để phát triển Chính phủ số

Hải An

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đã đề ra các mục tiêu, giải pháp nhằm phát triển Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tới năm 2030, Việt Nam phấn đấu có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.

Chính phủ số chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng suất của doanh nghiệp, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, để người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của cơ quan nhà nước để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.

Quyết định số 942/QĐ-TTg đề ra các mục tiêu cụ thể được đề ra đến năm 2025 như sau: 

- Về cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương; Tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần; Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính…

- Về huy động sự tham gia của xã hội: 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.

- Về vận hành các hoạt động của cơ quan nhà nước: 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ quan nhà nước có khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, cơ quan nhà nước có khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực.

Cụ thể: Mỗi người dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ gia đình có địa chỉ số, có khả năng truy cập Internet cáp quang băng rộng; Mỗi người dân đều được sống trong môi trường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và có quyền riêng tư cá nhân trong môi trường số được bảo vệ theo quy định của pháp luật; Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân...

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Chính phủ đề ra nhóm các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển hạ tầng số (Hạ tầng mạng; Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ); Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; Phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số; Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Các nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên được Chính phủ xác định gồm: Tổ chức, bộ máy, mạng lưới; Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; Hợp tác giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; Nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi; Chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ; Hợp tác quốc tế…

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, nhóm giải pháp bảo đảm kinh phí được đề cập gồm: Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật để phát triển Chính phủ số; tăng cường thực hiện giải pháp thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới.

Chính phủ cũng nêu rõ, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng quốc gia, các ứng dụng, dịch vụ quốc gia sử dụng vốn đầu tư công do ngân sách trung ương đảm bảo.

Tại Quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện giải pháp nêu trên đối với nguồn vốn thường xuyên; chủ trì tổng hợp, bố trí vốn chi thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan để triển khai Chiến lược.