Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có chính sách cải thiện cầu đầu tư
(Tài chính) Có thể nói, một lượng cung hàng hóa lớn sẽ được đưa ra thị trường trong thời gian tới.
Chủ trương đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được Nghị quyết của Chính phủ thông qua, theo đó, dự kiến trong năm 2014 và 2015 sẽ có trên 400 doanh nghiệp (DN) IPO – bình quân 1 ngày sẽ có trên 1 DN thực hiện IPO. Ngoài ra, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đối với các DN đã cổ phần hóa hoặc đầu tư ra các lĩnh vực ngoài ngành cũng được triển khai nhanh trong thời gian tới.
Xét về mặt tích cực, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm tốt. Mặt khác, tôi cũng chia sẻ quan điểm rằng, nếu sức cầu không được cải thiện thì có thể dẫn tới "cung vượt cầu", và dẫn đến quá trình IPO các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thành công hoặc giá bán không phản ánh được giá trị DN.
Với vai trò là cơ quan quản lý, chúng tôi đã xây dựng các chính sách để tác động vào cầu đầu tư trên thị trường như: gắn quá trình cổ phần hóa với niêm yết trên sàn giao dịch; phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp như quỹ ETF, quỹ hưu trí bổ sung...; sửa đổi các quy định liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nới room cho các công ty đại chúng ở một mức độ hợp lý. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang phối hợp với các cơ quan để tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, nhằm cung cấp các thông tin về chính sách cũng như dự kiến lộ trình IPO của các DN Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản và các nước trong khu vực.
Để tạo nhiều công cụ đầu tư cho thị trường hiện nay, UBCKNN đang phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) để hoàn thiện về khung pháp lý cũng như công nghệ cho việc tổ chức giao dịch các quỹ ETF. Theo dự kiến, khoảng quý III - đầu quý IV năm nay, các sản phẩm ETF đầu tiên sẽ được chính thức giao dịch. Theo quy định hiện hành, công ty quản lý quỹ sẽ xác lập các ETF dựa trên các bộ chỉ số do các Sở công bố, nhưng UBCKNN cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm bộ chỉ số cổ phiếu niêm yết trên các Sở.
UBCKNN đang hoàn thiện khung pháp lý về thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh. Trong đó, một nội dung quan trọng cần phải xử lý trước khi đưa TTCK phái sinh vào hoạt động là cho phép cơ chế bán khống chứng khoán có đảm bảo. Vì vậy, việc nghiên cứu cơ chế bán khống để áp dụng đối với thị trường cơ sở (cổ phiếu, trái phiếu) cũng được UBCKNN cân nhắc xem xét trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Thông tư 74/BTC về giao dịch chứng khoán. Việc cơ chế bán khống có đảm bảo ra đời sẽ là nền tảng quan trọng cho việc thiết kế các sản phẩm nghiệp vụ bán chứng khoán trước ngày hoàn tất giao dịch hoặc cơ chế nghiệp vụ when-issue trong trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, các sản phẩm bán khống không có cơ sở (naked short selling) thì sẽ không được triển khai thực hiện, vì đây là một vấn đề mà ngay cả Ủy ban châu Âu cũng cấm đối với các quốc gia hội viên.
Về đề án thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai Sở GDCK HOSE và HNX, hiện tại UBCKNN đang lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn chỉnh Đề án. Dự kiến Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2014. Tuy nhiên, quá trình hợp nhất không thể thực hiện ngay mà cần có lộ trình từng bước phù hợp với chức năng hoạt động của hai Sở GDCK hiện nay. Theo đó, dự kiến quá trình hợp nhất có thể diễn ra từ 1 - 2 năm mới hoàn tất việc chuyên biệt hóa các thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường phái sinh.