Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021

Việt Hoàng (T/h)

Tiếp tục phiên họp thứ 10, sáng ngày 25/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Ngày 25/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Ngày 25/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, Chính phủ đã chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành với nhiều giải pháp quyết liệt triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá vẫn còn một số tồn tại, hạn chế từ việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, dẫn đến lãng phí nguồn lực nhà nước, trong đó một số dự án quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác triển khai, đưa vào hoạt động gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu "nóng"; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân...

Bên cạnh đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước khi dịch COVID-19 bùng phát để trục lợi làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, lãng phí nguồn lực xã hội.

Việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như: Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân...

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vắc xin, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 sẽ bổ sung cho phần Kinh tế - xã hội của Chính phủ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 3 tới đây. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bên cạnh báo cáo đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội thì báo cáo tóm tắt trình bày trước Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng.

Báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra phải thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ ngành, địa phương nào để lãng phí để tạo chuyển biến rõ nét thời gian tới.

Gợi ý một số vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Trong tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn như thế, ban đầu dự kiến hụt thu, nếu Chính phủ không tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ "kép" vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, thì làm sao đạt được kết quả như báo của Chính phủ về số thu ngân sách Trung ương ước tăng 6,7% so với dự toán. Điều này thể hiện nỗ lực cao của Chính phủ trong việc tăng cường quản lý thu NSNN trong những tháng cuối năm 2021”. Tuy nhiên, đề cập một số hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Chính phủ cần thẳng thắn chỉ rõ, nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có giải pháp khắc phục. 

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về tổng thể công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương là thông suốt, nhịp nhàng, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế  - xã hội, giảm thiểu tác động xấu của thiên tai, dịch bệnh; huy động các nguồn lực trong nước và từ nước ngoài cho phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế  - xã hội.

Trong năm 2021, trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế trong nước đã ghi nhận tăng trưởng dương 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch; các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) được bảo đảm, thu NSNN đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán...  

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nêu rõ, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng và là năm bản lề thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, do vậy Chính phủ tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả với lộ trình, bước đi chặt chẽ đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế  - xã hội phù hợp, khả thi.

Bên cạnh đó, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác; tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN, khai thác hiệu quả các dư địa thu để tăng thu NSNN, triệt để tiết kiệm chi; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí nguồn NSNN hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm...