Ủy thác thu: Tạo điều kiện thụ hưởng bảo hiểm xã hội cho người dân
Nhằm đổi mới mô hình, phương thức tổ chức thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhà nước trong phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, BHXH Việt Nam đang thực hiện nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH, BHYT.
Đối tượng tham gia còn dưới mức tiềm năng
Việc ủy thác thu được nghiên cứu hướng tới mục tiêu chung là đa dạng hóa các phương thức thu BHXH, BHYT nhằm phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn cũng như mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP, đảm bảo thu BHXH đúng, đủ, kịp thời, minh bạch, giảm thiểu được tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH. Đồng thời, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, nâng cao hiệu quả quản lý, giúp ngành BHXH tăng cường, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra và giảm nợ đọng BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan lập Tổ nghiên cứu “Vấn đề ủy thác thu BHXH” nhằm triển khai nghiên cứu các nội dung về ủy thác thu BHXH, BHYT, các căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế về ủy thác thu… để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đánh giá kết quả nghiên cứu ủy thác thu BHXH tại Hội thảo "Lấy ý kiến Dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH" mới đây, của BHXH Việt Nam, hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tăng bình quân hàng năm từ 6-8%.
Trong đó, năm 2018, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 858.923 người so với năm 2017; tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc đạt trên 29,8% và số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tăng 1.104.281 người so với năm 2017, tỷ lệ bao phủ BHTN đạt 26,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Cùng với đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng bình quân hàng năm từ 20-30%.
Đến hết năm 2018, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 270.000 người, bằng 0,55% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 411.000 người, tăng trên 130.000 người so với năm 2018, bằng gần 60% so với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của 11 năm trước và đạt trên 0,8% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, theo nhận định, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN còn dưới mức tiềm năng; việc rà soát đơn vị, doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) chưa đóng, trốn đóng BHXH, BHYT chưa được đầy đủ, thường xuyên. Lao động là người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trên 500.000 người, nhưng mới chỉ có trên 6.000 người đang tham gia BHXH bắt buộc, chiếm khoảng 1,2% số người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc.
NLĐ Việt Nam làm việc tại các cơ quan nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam khó khăn trong việc tiếp cận chính sách và tham gia đóng BHXH, BHYT... Tính chung cả nước có trên 25 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng mới có trên 460.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, vẫn còn trên 3,5 triệu người thuộc nhóm NLĐ và người sử dụng lao động cùng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nhưng chưa tham gia BHYT. Nhóm học sinh, sinh viên (HSSV), người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn từ 5-10% chưa tham gia BHYT; nhóm người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và nhóm người tham gia BHYT theo hộ gia đình còn trên 10% chưa tham gia BHYT. Tình trạng DN lách luật đóng không đúng số tiền BHXH, BHYT bắt buộc; tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT trong các đơn vị thuộc khối DN, HTX và khối ngoài công lập còn lớn với thời gian nợ kéo dài.
Ủy thác là xu hướng
BHXH, BHYT là chính sách quan trọng góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, việc thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức xã hội, DN cũng như mỗi người dân.
Với vai trò, ý nghĩa đó, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam – ông Trần Đình Liệu - cho hay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 125 và đã giao BHXH Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu vấn đề ủy thác thu để báo cáo Thủ tướng. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp các bộ, ngành lập tổ nghiên cứu vấn đề này để triển khai nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ thu, nội dung ủy thác và cách thức ủy thác… Đề án ủy thác thu BHXH sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Đánh giá về Dự thảo Báo cáo nghiên cứu vấn đề ủy thác thu BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng, báo cáo đã đưa ra đầy đủ, toàn diện về quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong tổ chức thu BHXH, BHYT; cũng như chỉ ra được những tồn tại, hạn chế của từng nội dung; định hướng đề xuất về công tác ủy thác thu BHXH cho giai đoạn tới.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi khuyến nghị, để hoàn thiện và tăng tính thuyết phục hơn nữa, dự thảo cần nêu rõ được lợi ích nếu như thực hiện việc ủy thác thu BHXH. “Việc đánh giá lợi ích và hiệu quả ủy thác nhiệm vụ thu BHXH cần phải đầy đủ và toàn diện hơn; cần có một phụ lục riêng làm rõ tính hiệu quả về chi phí bỏ ra khi tiến hành ủy thác thu. Đặc biệt, việc thực hiện ủy thác thu BHXH phải xử lý một cách tổng thể khi sửa Luật BHXH”- ông Lợi nhấn mạnh.
Theo Dự thảo, cơ quan BHXH sẽ tổ chức thí điểm ủy thác cho đơn vị nhận ủy thác, trong đó, chỉ định Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện trong 3 năm, từ năm 2020-2022 và triển khai toàn diện từ năm 2023. Trước nhiệm vụ này, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - bà Chu Thị Lan Hương - cho hay, hiện nay, Bưu điện Việt Nam với hơn 11.000 điểm bưu cục tại các xã, phường rộng khắp cả nước, 15.000 cán bộ bưu điện đã được cấp chứng chỉ trong công tác thu BHXH, BHYT, nếu được giao nhiệm vụ ủy thác thu, Bưu điện Việt Nam sẽ đảm bảo yêu cầu BHXH Việt Nam đặt ra.