Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Vương Đình Huệ gợi mở cho liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ
Trong không khí cả nước đang khẩn trương bắt tay triển khai nhanh chóng các nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, chiều ngày 20/2/2016, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học "Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ".
Tham dự chỉ đạo Hội thảo có ôngTrần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Tham dự Hội thảo còn có nhiều đại diện lãnh đạo một số bộ ,ngành, địa phương, các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện một số địa phương của Trung quốc, Nhật Bản và Lào cùng đông đảo cơ quan báo chí, truyền thông.
Hội thảo nhằm mục đích khai thác có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của mỗi địa phương, đồng thời, từng bước liên kết tạo điểm đến chung trên cơ sở hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách, tiến tới mở rộng thị trường, thu hút đầu tư. Hội thảo là cơ hội để các tỉnh trong khu vực Bắc – Nam Trung bộ nói chung được lắng nghe, đón nhận những ý kiến thực tế, sắc sảo để giải bài toán khó về phát triển du lịch, liên kết vùng.
Tại Hội thảo, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có bài phát biểu quan trọng, đưa ra những gợi mở mang ý nghĩa chiến lược cho liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung bộ. Finance Plus trân trọng giới thiệu nội dung chính trong phát biểu của ông Vương Đình Huệ.
… Hiện nay, chính sách liên kết kinh tế vùng được các quốc gia phát triển mạnh mẽ trên nhiều cấp độ: nội vùng, giữa các vùng trong một nước, giữa các vùng của nước này với vùng của nước khác. Chủ thể tham gia liên kết vùng cũng rất đa dạng: giữa chính quyền của các vùng để tạo ra khung khổ thể chế chính sách chung; giữa người dân với nhau nhằm tạo ra các tổ chức kinh tế hợp tác liên vùng; giữa các doanh nghiệp để tạo ra sự kết nối các chuỗi giá trị vùng, khu vực và toàn cầu.
Ở nước ta, kể từĐại hội Đảng lần thứ VIIIcho đến nay đều đề cập và nhấn mạnh đến phát triển kinh tế vùng.Nhiều Nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về phát triển vùng đã được ban hành. Trên cơ sở các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, các vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm lần lượt đã được thành lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể và tổ chức triển khai thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã nêu rõ: "Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp. Tạo điều kiện phát triển các khu vực còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và phía Tây các tỉnh miền Trung". Đối với riêng các tỉnh Bắc Trung Bộvà duyên hải Nam Trung Bộ, từ năm 1997, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 đã được phê duyệt theo Quyết định số 1018/1997/QĐ-TTg ngày 29/11/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2004, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020. Trong 10 năm trở lại đây, các tỉnh miền Trung đã có những nỗ lực mạnh mẽ, chủ động khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hút đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Kinh tế các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhìn chung đã dần thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, nhất là tại vùng núi, vùng bãi ngang ven biển, thích ứng dần với biến đổi khí hậu, thiên tai. Nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp quy mô lớn được xây dựng và đi vào hoạt động. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất thâm canh cây trồng, vật nuôi tập trung, có sản lượng lớn phục vụ sản xuất và chế biến nông sản xuất khẩu.v.v…
Đối với vấn đề phát triển du lịch, các tỉnh vùng Bắc – Nam Trung Bộ có tiềm năng rất lớn. Về hạ tầng du lịch, Vùng Bắc Trung Bộ nằm kề bên vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, trên trục giao thông Bắc Nam về đường sắt, bộ; nhiều đường ô tô hướng Đông Tây (7,8,9,29) nối Lào với Biển Đông (Ngày 30/01/2016, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Lễ thông xe Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) phía Bắc thứ 2 - nâng cấp quốc lộ 217 tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 1 - kết nối Đông Bắc Lào với cảng biển Nghi Sơn). Có hệ thống sân bay quốc tế và nội địa (sân bay Thọ Xuân,sân bay Vinh,sân bay Đồng Hới,sân bay Phú Bài), bến cảng (Nghi Sơn, Cửa Lò, Cửa Hội, Vũng Áng, Sơn Dương, Cửa Gianh, Nhật Lệ, Hòn La, Cửa Việt, Thuận An, Chân Mây...); nhiều trung tâm du lịch được xếp hạng UNESSCO (động Phong Nha - Kẻ Bàng,Cố đô Huế, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh). Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có vị trí địa lý kinh tế rất thuận lợi, nằm trên trục các đường giao thông bộ,sắt,hàng khôngvàbiển, gầnThành phố Hồ Chí Minhvà khu tam giác kinh tế trọng điểm miềnĐông Nam Bộ; cửa ngõ củaTây Nguyên, của đường xuyên Á ra biển nối với đường hàng hải quốc tế. Về tài nguyên nhân văn, miền Trung là mảnh đất đã sản sinh nhiều danh nhân lịch sử, nhà khoa bảng, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng, anh hùng giải phóng dân tộc, là nơi đóng đô của nhiều vương triều trong lịch sử. Về tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, hiện còn lưu giữ được vẻ hoang sơ, tiêu biểu như hệ thống rừng nguyên sinh đã được UNESSCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Miền Trung có bờ biển dài, đang dần hình thành các đô thị du lịch biển có dịch vụ phát triển... Đó là những tiềm năng và lợi thế vô cùng quan trọng để miền Trung mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế và đẩy mạnh phát triển du lịch với các nước trong khu vực.
Về liên kết phát triển du lịch, trong thời gian qua, các tỉnh miền Trung đã có rất nhiều cố gắng. Đối với liên kết quốc tế được thực hiện chủ yếu trong khuôn khổ hợp tác phát triển hành lang Đông Tây với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Thái Lan, Myanma với nội dung hợp tác chủ yếu là các hoạt động thúc đẩy vận chuyển khách du lịch; riêng các hoạt động liên kết trong hợp tác đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến, tiếp thị, đào tạo nguồn nhân lực còn chưa được triển khai cụ thể.
Đối với liên kết trong nước, các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng và Bắc - Nam Trung Bộ nói chung chưa có hoạt động liên kết hợp tác cụ thể được triển khai, chưa có cơ chế vận hành hoạt động liên kết. Một số sáng kiến hay nhằm phát triển các sản phẩm liên kết như "Con đường di sản miền Trung" hay "Hành trình đến các kinh đô Việt cổ" cũng mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng và cũng chưa có những bước triển khai hiện thực hóa một cách cụ thể. Liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch trong vùng (nhất là giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ) còn lỏng lẻo, kém hiệu quả. Tuy đã có nhiều cố gắng nhưng liên kết du lịch và các ngành nghề kinh doanh văn hóa (Công nghiệp văn hóa) chưa được quan tâm đúng mức và có kết quả như kỳ vọng. Đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khai thác phát triển sản phẩm và điểm đến du lịch còn hạn chế. Sản phẩm du lịch vùng còn thiếu tính "khác biệt" và "đẳng cấp", thiếu sự đa dạng, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ, chắp vá, kể cả những địa bàn trọng điểm.
Tôi đề nghị Hội thảo lần này tập trung phân tích, đánh giá những thành tựu, kết quả cũng như những tồn tại nói trên, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của Du lịch trong mối quan hệ với các ngành kinh tế khác và trong không gian liên kết vùng Bắc - Nam Trung Bộ. Đồng thời, cần phân tích kỹ lưỡng, đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ, cơ hội và thách thức, tầm nhìn trong thời gian tới. Để liên kết phát triển du lịch của các tỉnh vùng Bắc - Nam Trung Bộ phát huy hiệu quả thiết thực, tôi đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ một số vấn đề chính:
-Một là, vấn đề tái cơ cấu du lịch miền Trung nói chung và liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ trong tổng thể đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế tại từng địa phương hiện nay.
- Hai là, vấn đề liên kết phát triển du lịch vùng phải có sự tham gia liên kết hợp tác của ba đối tượng chính: chính quyền, doanh nghiệp và người dân các địa phương. (1) Chính quyền các địa phương thực hiện hoạt động liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong khu vực trong công tác chỉ đạo, quy hoạch phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm, thực hiện các chương trình du lịch, xúc tiến quảng bá mở rộng thị trường du lịch, v.v.và thực hiện chức năng quản lý nhà nước có hiệu quả; (2) Doanh nghiệp là đối tượng chính trong liên kết du lịch cần phải liên kết với nhau để tổ chức các tour du lịch, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh. Lợi ích của các doanh nghiệp chính là động lực của sự liên kết; (3) Người dân các địa phương đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch, chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt.
- Ba là, vấn đề liên kết trong xây dựng và thực thi chính sách phát triển du lịch.Chiến lược, quy hoạch và các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch của mỗi tỉnh cần tham khảo và lồng ghép với các tỉnh khác trong Vùng.
- Bốn là, vấn đề liên kết trong phát triển thương hiệu vùng, nhất là trong việc triển khai các chương trình, dự án chung của Vùng.
- Năm là, cơ chế liên kết ngành, giữa ngành du lịch với các ngành khác giao thông vận tải, công thương, tài chính, nông nghiệp trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ, kiểm soát chất lượng du lịch.
- Sáu là, đối với riêng Nghệ An, ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động, du lịch về nguồn, du lịch di sản... cần nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám chữa bệnh, du lịch Mice (hội họp, khen thưởng, hội nghị, hội thảo, triển lãm) góp phần khai thác có hiệu quả sử dụng tài nguyên và hạ tầng du lịch.