Hội nhập và tinh thần khởi nghiệp quốc gia
Với những Hiệp định FTA đã được ký kết và TPP đã hoàn tất đàm phán, năm 2016 sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam phát triển kinh tế, nhưng đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ. Kích thích tinh thần khởi nghiệp, hình thành đội ngũ doanh nhân Việt mạnh, xây dựng cho được thương hiệu quốc gia là con đường để Việt Nam có thể phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Ðình Huệ khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp đầu xuân mới.
Phóng viên: Thưa Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Việt Nam đã đi qua 30 năm đổi mới, trong quãng đường đó, ông đánh giá thế nào về tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta và tác động của nó đến nền kinh tế?
Ông Vương Đình Huệ: Trong tiến trình 30 năm đổi mới là chặng đường nước ta hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu.Đến nay, đã có gần 50 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần đã được ký kết.Đặc biệt, 2015 là một năm bội thu các Hiệp định thương mại tự do, với việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu; tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN; đặc biệt là Kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nước ta.
Chúng ta phải thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp và có những chính sách cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, từ đó, thổi vào hồn các DN của Việt Nam một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự hào về Doanh nghiệp Việt.
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng đến 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Môi trường kinh doanh được cải thiện tạo thuận lợi cho các DN chủ động hơn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, đó là: Chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giày.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành, các hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết đã đưa Việt Nam trở thành điểm hút vốn FDI. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu DN Việt không nhanh chóng vươn lên nắm bắt cơ hội thì các DN FDI sẽ lĩnh trọn các lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Nói một cách đơn giản chúng ta phải có chính sách chọn FDI, chọn tập đoàn nào đã có sẵn chuỗi giá trị, và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam. Đặc biệt phải chọn FDI phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, và có chính sách kết nối giữa DN FDI với DN trong nước. Cùng với đó, chúng ta phải có chính sách giúp cho DN dân tộc mạnh lên.
Mà muốn như vậy, trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung mà DN nào cũng được hưởng, phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của thị trường, xây dựng được triết lý văn hóa của DN dân tộc. Và đừng phân biệt DN to hay nhỏ, đừng phân biệt DNNN hay tư nhân, mà đã là DN Việt Nam thì đó là của người Việt Nam- Doanh nghiệp Việt. Theo tôi, chúng ta phải thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp và có những chính sách cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia. Từ đó, thổi vào hồn các DN của chúng ta một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự hào về Doanh nghiệp Việt.
Ông có nói về tinh thần quốc gia khởi nghiệp, vậy làm thế nào để có thể thúc đẩy được tinh thần khởi nghiệp, thưa ông?
Theo tôi, phải có những chính sách rất cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Đặc biệt là phải có chính sách cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để thúc đẩy khu vực DN trong nước, kể cả DNNN và DN nhỏ và vừa thì cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thị trường, năng lực cạnh tranh…, cần rút ngắn khoảng cách giữa quy định trên văn bản và sự thực thi đội ngũ cán bộ công chức và của các cơ quan công quyền, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho DN phát triển. Cùng với đó là phải xây dựng cho được thương hiệu Quốc gia với sự góp mặt của các doanh nhân Việt, bởi thương hiệu quốc gia chính là thương hiệu Việt Nam.
Nói về các doanh nhân Việt, ông đánh giá thế nào về khu vực DN tư nhân?
Hiện nay ở nước ta có hơn 500.000 DN đăng ký kinh doanh. Đây là con số còn rất nhỏ so với các nước khác. Chúng ta đang phấn đấu đến cuối năm 2020 có được 2 triệu doanh nghiệp. Đại hội Đảng XI đã xác định DN tư nhân là một động lực phát triển quan trọng của đất nước.
Thực tế chúng ta đã thấy vai trò, vị trí của khối DN tư nhân trong phát triển kinh tế. Chẳng hạn, một câu chuyện rất đơn giản như xây dựng một sân khấu lớn chuẩn bị cho Đại Lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc tổ chức ở Bái Đính có 3.500 chỗ ngồi, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cả thiết kế và thi công hoàn thành chỉ trong 2 tháng.Hay như Khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc của doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Xây dựng ở ngoài đảo, nhưng tính từ khi bắt đầu đưa vật tư từ đất liền ra, từ lúc nổ tiếng máy xúc, máy ủi đầu tiên cho đến khi khánh thành, hoàn thiện công trình chỉ trong hơn 10 tháng thi công.
Như vậy có thể thấy, DN Việt giỏi lắm, có thể vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào, có khả năng cạnh tranh tốt. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra 46% GDP- đây chính là động lực phát triển của đất nước. Vấn đề là phải làm sao để những DN này phát triển bền vững.
Vậy về khối DNNN thì sao? Có ý kiến cho rằng, khu vực này nhận được nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả chưa cao. Ông nhận xét gì về vấn đề này ?
Tổng kết Hội nghị Trung ương 6 khóa X, Bộ Chính trị đã kết luận và đã đưa vào dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, sẽ hạn chế và đi đến xóa bỏ đại diện chủ sở hữu của các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố, thành lập một cơ quan chuyên trách để làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu của DNNN. Đồng thời, áp đặt kỷ luật thị trường đối với các DNNN, nâng cao năng lực quản trị, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu các DNNN. Tinh thần của Đảng là đặt khu vực DNNN cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, không phân biệt đối xử.
Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế năm 2016
Năm 2016 được đánh giá kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dù chậm. Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.
Do vậy, kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ tiếp tục đà phục hồi. Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%, cao hơn năm 2015, bởi dư địa cho tăng trưởng GDP vẫn còn lớn. Tuy nhiên, thực hiện mục tiêu này đòi hỏi Chính phủ và các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm; việc đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế cũng như thực hiện các đột phá chiến lược phải được thực hiện quyết liệt hơn.
Theo tôi, trong năm 2016, chúng ta phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới. Làn sóng đầu tư thứ nhất là khi chúng ta bắt đầu thời kỳ đổi mới năm 1986. Làn sóng đấu tư thứ hai là khi chúng ta ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đến bây giờ, khi chúng ta có Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi theo những nguyên tắc hiện đại, độ minh bạch cao, cùng một loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được ký kết, và tham gia vào Ngôi nhà chung ASEAN, tôi hy vọng chúng ta sẽ tạo được một làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!