Vai trò của chuyển đổi số trong nền kinh tế
Ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của doanh nghiệp và tổng thể nền kinh tế là một tất yếu khách quan dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong xu thế này, Việt Nam đang tích cực, chủ động khai các chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia định hướng đến năm 2030. Nghiên cứu này nhằm tổng hợp các nguồn tài liệu, số liệu thực tế để làm rõ khái niệm về chuyển đổi số và vai trò tích cực của chuyển đổi số tới nền kinh tế số nói chung và các đối tượng trong nền kinh tế nói riêng.

Khái niệm chuyển đổi số
Việt Nam với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nhấn mạnh về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xác định mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội phải đạt bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng phải đạt khoảng 45%. Triển khai chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số, chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được công bố theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề cập đến mục tiêu và các giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo Cẩm nang chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, “chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức”. Khái niệm này có thể được hiểu theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào tổng thể các hoạt động và quy trình quản trị doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Như vậy, chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp.
Quyết định số 749/QĐ/TTg đã đưa ra quan điểm nhận thức đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia sau khi nhận ra tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, đã lập tức bước vào một “cuộc đua” mới trong việc áp dụng chuyển đổi số. Hiện nay, ngoài các doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính vững mạnh thì ngay cả các công ty nhỏ hay những startup mới đều có thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào các mặt hoạt động.
Vai trò của chuyển đổi số
Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.
Kết quả nghiên cứu của McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong cuộc đua chuyển đổi số. Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với dân số 100 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, các chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Những ích lợi của chuyển đổi số trên phương diện xã hội và kinh tế là đề tài nóng hổi của nhiều công trình nghiên cứu trong giai đoạn gần đây. Hầu hết các tác giả đều thừa nhận một số những điểm sau: chuyển đổi số thực sự mang lại rất nhiều lợi ích cho mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp từ điều hành quản lý đến nghiên cứu, kinh doanh… (theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường lớn như Gartner, IDC…). Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên… Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ, doanh nghiệp và cuộc sống của người tiêu dùng. Vai trò của chuyển đổi số được thể hiện các khía cạnh sau. Cụ thể:
Một là, tác động thúc đẩy nền kinh tế số
Chuyển đổi số là nền tảng hình thành nền kinh tế số mỗi quốc gia. Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nền kinh tế số (Digital economy), nền kinh tế số là “hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế”. Nền kinh tế số được nhận diện gồm ba khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng, kinh tế số ngành.
Trong đó, kinh tế số ICT là công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông. Kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung và cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng. Kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, các lĩnh vực. Như vậy, phát triển kinh tế số nền tảng là phát triển các nền tảng số, mở rộng kết nối hệ sinh thái số doanh nghiệp, giúp tạo ra các tăng trưởng đột phá và khai phá các tiềm năng mới. Tuy nhiên, để nền kinh tế số được vận hành và phát triển bền vững, chuyển đổi số quốc gia cần toàn diện và bao quát trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và mọi tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Hai là, tác động đối với chính phủ.
Chuyển đối số sử dụng dữ liệu và hệ thống công nghệ số nhằm thay đổi trải nghiệm người sử dụng với các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp. Việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của bộ máy cơ quan nhà nước.
Chuyển đổi số đang dần thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người đứng đầu các quốc gia, tổ chức, có khả năng quyết định hướng đi và sự thành công của quốc gia và tổ chức. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trước những lợi ích mà nó đem lại. Chính phủ các nước dần ứng dụng chuyển đổi số vào công tác xây dựng “Nhà nước số”, “Chính phủ điện tử”. Đồng thời cũng đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng những thành tựu của chuyển đổi số vào quá trình vận hành kinh doanh doanh nghiệp. Đối với hoạt động nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, các bộ máy chính quyền của nhiều quốc gia đã ngay lập tức áp dụng chuyển đổi số khi nhận thức được tầm quan trọng của nó.
Trước xu hướng đó, Chính phủ Việt Nam đang từng bước áp dụng vào công tác quản lý và xây dựng chính phủ điện tử với các chính sách – pháp luật đang được sửa đổi nhằm có hệ thống pháp lý phù hợp với xu hướng hiện nay. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn khuyến khích các ngành/nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực.
Tuy vậy, Chính phủ cũng cần hoạch định lại các chiến lược chuyển đổi số quốc gia cho phù hợp và nhất quán nhằm định hướng phát triển kinh tế – xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp… đảm bảo quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó các cơ quan nhà nước – doanh nghiệp – trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt.
Ba là, tác động đối với doanh nghiệp.
Có thể thấy rõ, chuyển đổi số mang rất nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, như:
- Thu hẹp khoảng cách giữa các phòng ban trong doanh nghiệp: Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các phòng ban trong doanh nghiệp được kết nối với một nền tảng hệ thống công nghệ đồng nhất. Mỗi phòng ban vẫn có các phần mềm riêng để phục vụ cho nghiệp vụ chuyên môn nhưng vẫn có thể giao tiếp với các bộ phận khác thông qua hệ thống giao tiếp nội bộ. Điều này sẽ giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra, giúp cho sự vận hành trong doanh nghiệp không bị tắc nghẽn gây tác động xấu đến doanh nghiệp, như: Phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút…
- Tăng sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị doanh nghiệp: Tham gia quá trình chuyển đổi số, CEO của doanh nghiệp sẽ có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: nhân viên ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, khách hàng tìm hiểu sản phẩm sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, điều này sẽ giúp giảm sự chậm trễ, giúp CEO quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn so với trước đó.
- Tối ưu hóa năng suất nhân viên: Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty. Bởi những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không cần tốn chi phí trả lương cho nhân viên, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo nhận lại cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý.
- Nâng cao khả năng cạnh tranh: Nếu doanh nghiệp sở hữu nền tảng số hóa sẽ có thể triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng. Bởi các giải pháp quản trị và vận hành số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong việc tương tác nhanh chóng với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng.
Bốn là, tác động đối với người tiêu dùng.
Đối với người tiêu dùng, chuyển đổi số cũng đang dần tác động vào trong cuộc sống khi có thể trải nghiệm các dịch vụ công hay các dịch vụ được cung cấp từ các doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, nhanh chóng. Các giao dịch như: ngân hàng, mua sắm,… hoàn toàn có thể thực hiện qua mạng mà không cần phải đến tận nơi thực hiện.
Dịch COVID-19 cũng giúp người tiêu dùng nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, bởi trong thời gian cách ly xã hội, người tiêu dùng buộc phải hạn chế ra đường, mọi giao dịch, việc học, các cuộc họp và xử lý công việc đều được thực hiện qua máy tính. Điều này bắt buộc người tiêu dùng phải có máy tính và hệ thống truyền tải mạng dữ liệu ổn định mới đáp ứng được nhu cầu của công việc.
Xu hướng chuyển đổi số đã tạo ra rất nhiều dịch vụ có ích cho người tiêu dùng cũng như tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống, bởi những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu buộc các doanh nghiệp và mô hình kinh doanh truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.
Như vậy, nhìn chung, theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường thì 5 mục đích cuối cùng mà các doanh nghiệp chuyển đổi số hướng đến bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Tài liệu tham khảo:
- GDP châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng 387 tỷ USD vào năm 2021 nhờ vào những chuyển đổi số của ngành sản xuất.https://news.microsoft.com/;
- Chuyển đổi số kinh tế số: Xu thế tất yếu của doanh nghiệp thời 4.0. https://digital.fpt.com.vn/;
- Minh Hiển, “Chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”. https://baochinhphu.vn;
- Nguyễn Thế Bình (2022), Phát triển kinh tế số tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính tiền tệ; Truy cập tại /phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-42230.html. https://thitruongtaichinhtiente.vn.