Vai trò của Quỹ Đầu tư phát triển trong phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình

Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Hữu Thạch, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vũ Thị Hằng Nga

Du lịch đang dần trở thành nguồn thu quan trọng của tỉnh Ninh Bình. Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và đầu tư phát triển ngành Du lịch nói riêng. Sử dụng các số liệu cập nhật và các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng, nghiên cứu phân tích thực trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình và chỉ ra được những đóng góp của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong phát triển du lịch. Từ đó, nghiên cứu đề xuất một số chính sách cụ thể nhằm nâng cao vai trò của Quỹ trong phát triển du lịch địa phương.

Giới thiệu

Những năm qua, phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả tích cực với số lượt khách du lịch ngày càng tăng; công tác quảng bá, tuyên truyền, xúc tiến được chú trọng, doanh thu từ du lịch ngày càng cao, đóng góp vào ngân sách Tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, du lịch địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: du lịch còn mang tính mùa vụ, nguồn lực phục vụ hạn chế, lượng khách du lịch quốc tế tăng chậm. Các chỉ tiêu về công tác quản lý của chính quyền địa phương, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tình trạng xã hội, yếu tố về môi trường và văn hoá đã ảnh hưởng đến phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình.

Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình được UBND tỉnh Ninh Bình thành lập theo Quyết định số 948/2008/QĐ-UBND ngày 12/5/2008 với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương. Quỹ đã phối hợp với các huyện tích cực trong định hướng, phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh nói chung cũng như phát triển du lịch nói riêng. Bài viết này phân tích vai trò của Quỹ đầu tư phát triển Ninh Bình trong phát triển du lịch địa phương, từ đó, kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong phát triển du lịch trong thời gian tới.

Cơ sở lý thuyết

Điều 3 của Luật Du lịch (2017) đã đưa ra khái niệm du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác.

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương.

Trong đó, hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương bao gồm: Đề xuất danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay; Huy động vốn; Hoạt động cho vay; Hoạt động đầu tư. Đối với phát triển du lịch Việt Nam, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương thể hiện vai trò trên nhiều khía cạnh như: hỗ trợ tài chính trực tiếp, cung cấp các chính sách khuyến khích và ưu đãi cho các doanh nghiệp phục vụ du lịch, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong ngành Du lịch, hỗ trợ các hoạt động quảng bá và tiếp thị để tăng cường hình ảnh và thị trường du lịch địa phương và đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển nhân lực trong ngành Du lịch.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng số liệu cập nhật của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, UBND Tỉnh, và Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình để phân tích thực trạng phát triển du lịch của Tỉnh. Nghiên cứu này cũng sử dụng các phương pháp thống kê và phân tích định tính để phân tích vai trò của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong phát triển du lịch địa phương để làm căn cứ đề xuất các giải pháp có tính thực tiễn.

Kết quả và thảo luận

Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch. Nhằm phát huy những tiềm năng sẵn có, ngày 30/11/2021, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-UBND về “Đề án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045”, đồng thời Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh uỷ Ninh Bình đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng của Tỉnh. Nhằm hỗ trợ phát triển ngành Du lịch, ngày 12/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND về việc “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030”.

Hình 1: Thực trạng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2011-2023 (Nghìn lượt khách). Nguồn: Sở du lịch tỉnh Ninh Bình (2011-2023)
Hình 1: Thực trạng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2011-2023 (Nghìn lượt khách). Nguồn: Sở du lịch tỉnh Ninh Bình (2011-2023)

Trong những năm qua, du lịch tỉnh Ninh Bình đã có bước phát triển khá nhanh. Hình 1 cho thấy, từ năm 2011-2019, lượng du khách nội địa đến Ninh Bình hàng năm đều tăng nhanh, chiếm tỷ lệ lớn (trung bình trên 85%/năm). Giai đoạn năm 2020 đến đầu năm 2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch tỉnh Ninh Bình bị thiệt hại nặng nề, lượng khách giảm mạnh, đặc biệt là lượng khách quốc tế.

Từ tháng 3/2022, hoạt động du lịch có bước phục hồi và phát triển trở lại, nhất là sau quyết định mở cửa trở lại đối với khách du lịch quốc tế. Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, ngành Du lịch của Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá; nâng cao chất lượng dịch vụ; nghiên cứu bổ sung sản phẩm du lịch mới… Do đó, số lượng du khách đến các điểm thăm quan du lịch trên địa bàn Tỉnh đã tăng trở lại.

Năm 2023, số lượng du khách nội địa đạt 6.141,60 nghìn người, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 456,7 nghìn lượt khách. Doanh thu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 ước đạt trên 6.516,2 tỷ động, gấp hơn 2 lần so với năm 2022 và đạt 156,52% so với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Tỉnh tăng mạnh, tính đến năm 2023 có trên 800 cơ sở lưu trú du lịch, với 9.826 phòng nghỉ, trong đó có 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao, 7 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao, 30 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-2 sao.

Vai trò của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong phát triển du lịch

Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình đã tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương cho vay 90 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của Tỉnh với tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. Quỹ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và đầu tư vào các dự án phát triển du lịch của Tỉnh. Giai đoạn 2017-2020, quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình đã hỗ trợ cho vay, đầu tư nhiều dự án, công trình về du lịch tiêu biểu như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư; Dự án nạo vét, xây kè bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ vào khu du lịch sinh thái Thung Nham với tổng số vốn 23,1 tỷ đồng; Khu dịch vụ trung tâm TP. Ninh Bình đã thu hút 11 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 2.654 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hoạt động cho vay, đầu tư của Quỹ có vai trò thúc đẩy các tổ chức, cá nhân bỏ vốn đầu tư, giảm áp lực vốn ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Tỉnh nói riêng cũng như phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung. Quỹ đã thực hiện tốt vai trò là một trong những công cụ điều hành của UBND Tỉnh, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án, doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện đúng các chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND – UBND Tỉnh về phát triển hạ tầng các khu du lịch, hệ thống cung cấp nước sạch, giao thông, môi trường góp phần phát triển toàn diện du lịch Tỉnh.

Quỹ đã phối hợp cùng với các cơ quan Trung ương, thực hiện các dự án, công trình văn hoá phục vụ phát triển du lịch như: Dự án xây dựng các hạng mục hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành với tổng kinh phí trên 9 nghìn tỷ đồng.

UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình tạo điều kiện, kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 83 dự án, với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án triển khai tích cực, đúng tiến độ và đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch có hiệu quả, tiêu biểu như: Khu nghỉ dưỡng Emeralda, khách sạn Hoàng Sơn - Peace, khách sạn The Reed, khách sạn Legend, khách sạn VEDANA.

Bảng 1 cho thấy, các dự án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình có thời gian đầu tư tương đối dài, chủ yếu từ 10 năm trở lên với quy mô vốn đầu tư lớn. Các dự án chủ yếu được sử dụng từ nguồn xã hội hóa hoặc kết hợp với vốn ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch. Trong giai đoạn 2017–2030, tỉnh Ninh Bình cũng tiến hành đầu tư cho các chương trình quảng bá xúc tiến phát triển du lịch Tỉnh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch và bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch. Đây là các giải pháp hướng tới phát triển du lịch mang tính bền vững của Tỉnh.

Bảng 1: Danh mục dự án phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2017-2030

Tên dự án

Quy mô (ha)

Nguồn kinh phí

Số tiền (triệu USD)

Giai đoạn đầu tư

1. Dự án xây dựng khu du lịch quốc gia
Tràng An

2.168

Vốn ngân sách cho hạ tầng du lịch; kết hợp xã hội hóa

250

2017 – 2020

2. Dự án xây dựng khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình

2.895

Vốn xã hội hóa 100%

1.000

2020 – 2030

3. Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Đồng Thái

500

Vốn xã hội hóa 100%

200

2020 – 2030

4. Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi

200

Vốn xã hội hóa 100%

200

2020 – 2025

5. Dự án xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh
Ninh Bình

778

Vốn ngân sách kết hợp xã hội hoá

250

2020 – 2030

6. Chương trình quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình

-

Vốn ngân sách

5

2018 – 2030

7. Hỗ trợ công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

-

Vốn ngân sách kết hợp xã hội hoá

5

2018 – 2030

8. Bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch

-

Vốn ngân sách

20

2018 – 2030

Nguồn: UBND tỉnh Ninh Bình

 

Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình hiện đang thúc đẩy triển khai các dự án bảo tồn bảo vệ tài nguyên tự nhiên, khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững. Nhờ vào sự hỗ trợ của quỹ, các khu vực tự nhiên đặc biệt được bảo vệ, giúp du khách có cơ hội trải nghiệm và khám phá những nguồn tài nguyên tự nhiên độc đáo.

Bên cạnh đó, Quỹ thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng du lịch xanh, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa du lịch và môi trường. Đồng thời, Quỹ đầu tư vào việc xử lý nước thải, quản lý chất thải và giảm ô nhiễm môi trường. Điều này giúp duy trì sự trong sạch và hấp dẫn của các điểm đến du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch.

Một số tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch tỉnh Ninh Bình hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế như năng lực kinh doanh và chất lượng dịch vụ du lịch của các đơn vị kinh doanh du lịch chưa có chuyển biến đáng kể. Các doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn ít; thiếu chủ động kết nối trong chuỗi dịch vụ cung ứng; thiếu các dịch vụ hỗ trợ du lịch. Xã hội hóa trong hoạt động du lịch chưa phát triển để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa thu hút được các nhà đầu tư du lịch chiến lược có thương hiệu, kinh nghiệm, uy tín trên thị trường quốc tế đầu tư kinh doanh du lịch.

Thêm vào đó, hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ, quy mô nhỏ. Số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 4-5 sao còn ít; chất lượng sản phẩm, các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp. Nguồn nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch còn thiếu lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn cao và đội ngũ quản lý giỏi.

Tất cả những vấn đề trên đặt ra cho ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình Điều cần phải tiếp tục được quan tâm, đầu tư theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, việc nâng cao vai trò của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư du lịch chiến lược trong và ngoài nước, hỗ trợ đầu tư các sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng thị hiếu của du khách, và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Du lịch lữ hành có ý nghĩa quan trọng.

Kết luận và kiến nghị

Tỉnh Ninh Bình đang đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh. Vai trò của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong thúc đẩy phát triển du lịch thể hiện thông qua việc hỗ trợ tài chính, đầu tư vào các dự án, cơ sở hạ tầng và các chương trình khuyến mãi du lịch. Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn lực, sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác, quản lý rủi ro và quản lý dự án không linh hoạt đã đặt ra nhiều thách thức trong việc hỗ trợ phát triển, triển khai các dự án du lịch. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm phát huy tối đa vai trò của Quỹ trong phát triển du lịch, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực đến hỗ trợ phối hợp liên kết, hợp tác công tư, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch, cụ thể là:

Thứ nhất, Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình cần đầu tư vào việc nâng cao năng lực quản lý và giám sát dự án để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án du lịch. Bên cạnh đó, khám phá các phương thức huy động nguồn lực mới như hợp tác công tư và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế. Xây dựng mối quan hệ tốt hơn với cộng đồng địa phương, lắng nghe ý kiến của họ và đảm bảo rằng các dự án du lịch mang lại lợi ích cho cả cộng đồng.

Thứ hai, UBND tỉnh Ninh Bình, Sở Tài chính, Sở Du lịch cần có trách nhiệm xây dựng chính sách và quy định liên quan đến hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình trong lĩnh vực du lịch nói riêng. Tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo sự minh bạch, công bằng và đúng quy định trong quá trình thực hiện triển khai các dự án du lịch. Thông qua cơ chế phối hợp công – tư, các cơ quan quản lý cần đóng vai trò giám sát, quản lý, đồng thời phối hợp liên kết đối với các đơn vị như doanh nghiệp, tổ chức khác nhằm hỗ trợ Quỹ thực hiện đảm bảo các dự án du lịch theo đúng quy định và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tăng nguồn lực ngân sách được cấp cho quỹ hoặc tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các nguồn khác như vốn đầu tư nước ngoài hay các khoản vay ưu đãi.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/06/2017;
  2. Chính phủ (2020), Nghị định số 147/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư phát triển địa phương;
  3. Tỉnh uỷ Ninh Bình (2023), Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về “Phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045”;
  4. Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình (2023), Nghị quyết số 105/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 về việc “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2030”;
  5. UBND tỉnh Ninh Bình (2008), Quyết định số 948/2008/QĐ-UBND ngày 12/5/2008 về việc “Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển Ninh Bình”;
  6. UBND tỉnh Ninh Bình (2021), Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 về ban hành đề án “Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-20230, định hướng đến năm 2045”;
  7. Nguyễn Anh Đức, Vũ Thị Mỹ Huệ, Vũ Thị Hằng Nga (2024), Yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của du khách về du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Tạp chí Tài chính, 823, 178-182;
  8. Giang Thị Thoa (2022), Phát triển du lịch theo hướng bền vững ở tỉnh Ninh Bình: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 812, 81-84;
  9. Trịnh Đức Duy, Đào Hồng Hạnh và Lê Thị Tú Anh (2022), “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch theo hướng bền vững ở tỉnh Ninh Bình”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 807, 125-128.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024