Vai trò và định hướng phát triển kế toán môi trường trong các doanh nghiệp thủy điện
Kế toán môi trường không chỉ là công cụ cần thiết giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường mà còn góp phần cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với các nhà máy thủy điện đã đi vào vận hành, sẽ có rất nhiều tác động đến môi trường và những vấn đề quản lý phát sinh liên quan đến kế toán môi trường cần được xem xét, giải quyết và đánh giá tác động.
Bài viết nêu rõ vai trò của hệ thống kế toán môi trường trong việc quản lý chi phí, đo lường và mang lại lợi ích kinh tế; định hướng phát triển kế toán môi trường trong các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thủy điện nói riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển triển bền vững trong tương lai.
Tác động môi trường từ các nhà máy thủy điện
Hiện nay, do yêu cầu phát triển của nền kinh tế mà nhu cầu về năng lượng điện của các địa phương trong cả nước ngày một tăng cao, bên cạnh việc mang lại lợi ích về kinh tế thì thủy điện cũng có những tác động tiềm tàng, ảnh hưởng to lớn đến môi trường tự nhiên và xã hội trong vùng.
Đã có những công trình thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước, sau khi tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để xây dựng, mới phát hiện ra có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, gây tác động rửa trôi, xói mòn đất xung quanh gây bồi lắng lòng hồ làm giảm dung tích lòng hồ ảnh hưởng đến khả năng cắt lũ. Vấn đề liên quan đến đền bù di dân tái định cư và an sinh xã hội, các rủi ro và sự cố môi trường như vỡ đập, động đất…
Chính vì thế, việc xây dựng và áp dụng những biện pháp nhằm quản lý môi trường dưới tác động của các dự án thủy điện là một vấn đề cần thiết. Làm thế nào để vừa mang lại lới ích kinh tế vừa cản thiện môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Vai trò kế toán môi trường tại các doanh nghiệp thủy điện
Từ các yêu cầu về môi trường khiến các cơ quan chức năng tìm các giải pháp hướng tới phát triển bền vững, đạt sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế cùng với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) cần có sự tiếp cận mới về kế toán môi trường (KTMT) để xác định rõ chi phí môi trường trong quản lý và hoạt động, nhằm cân đối thu chi nội bộ và giảm thiểu sự cố về môi trường, hạn chế chất thải, đặc biệt là các DN thủy điện hiện nay.
Kế toán quản trị (KTQT) môi trường, theo Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc định nghĩa “là một sự hiểu biết tốt hơn và đúng đắn hơn về KTQT. Mục đích tổng quát của sử dụng thông tin KTMT là cho các tính toán nội bộ của tổ chức và cho ra quyết định.
Quá trình xử lý thông tin của KTQT môi trường phục vụ cho việc ra quyết định bao gồm các tính toán vật chất như nguyên liệu, năng lượng tiêu thụ, dòng luân chuyển vật tư và lượng vật chất bị loại bỏ hoặc xả thải và các tính toán tài chính có tính tiền tệ đối với chi phí (cả phần bỏ thêm và tiết kiệm được) doanh thu và thu nhập có liên quan đến các hoạt động có khả năng ảnh hưởng và tác động tiềm tàng đến môi trường”.
KTMT không chỉ có vai trò truyền thống là ghi chép và báo cáo các thông tin tài chính, mà còn phải thể hiện được vai trò của kế toán như một công cụ trợ giúp hữu hiệu cho các nhà quản lý trong quản trị các vấn đề môi trường trong phạm vi từng đơn vị kinh tế.
KTMT trong DN là một bộ phận cấu thành của kế toán liên quan đến các thông tin về hoạt động môi trường trong phạm vi DN nhằm thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin về môi trường cho các đối tượng trong và ngoài DN sử dụng để ra quyết định.
Việc áp dụng những biện pháp BVMT và KTMT sẽ làm tăng chi phí. Tuy nhiên, điều này cũng giúp DN thu được một số lợi ích như thu nhập tăng từ tiết kiệm nước, năng lượng, nguyên liệu sử dụng, giảm chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải.
Hệ thống KTMT bao gồm kế toán truyền thống và kế toán sinh thái. Kế toán truyền thống là hệ thống kế toán có kết hợp yếu tố môi trường, đo lường tác động môi trường đến tình hình tài chính của DN dưới hình thức tiền tệ, bao gồm: KTQT môi trường và kế toán tài chính môi trường.
KTQT môi trường có tác dụng nhận dạng đầy đủ, xác định chính xác và phân bổ đúng đắn các khoản chi phí môi trường, giúp cho việc định giá sản phẩm và xác định kết quả kinh doanh chính xác, từ đó có quyết định đúng về chiến lược sản phẩm, cũng như đầu tư thiết bị và công nghệ; kiểm soát chi phí hoạt động và cải thiện môi trường nhờ vào việc kiểm soát chất thải gắn với nguồn phát sinh; cải thiện quan hệ với nhà đầu tư, tạo được lợi thế thương mại, nâng cao uy tín trong cộng đồng nhờ phát triển hình ảnh “xanh”.
Các vấn đề trong kế toán tài chính môi trường bao gồm: Chi phí môi trường nên được vốn hóa hay tính vào chi phí; chuẩn mực và hướng dẫn liên quan đến công bố thông tin về nợ phải trả môi trường; tài sản môi trường là gì và cách đo lường chúng. Kế toán sinh thái cung cấp thông tin tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường bằng các thước đo vật chất đa dạng.
Các rủi ro và sự cố môi trường trong các dự án thủy điện, xảy ra ở tất cả các giai đoạn từ thi công đến vận hành, các sự cố như hạn hán và lũ lụt cho thấy, nguy cơ tác động lớn và mức độ xảy ra khá phổ biến. Những rủi ro được đề cập như là các sự cố như vỡ đập, sập hầm, động đất kích thích... Bên cạnh đó, nguy cơ xói mòn, rửa trôi và trượt lở đất có xu hướng gia tăng trên các lưu vực sông đặc biệt là xung quanh hồ thủy điện nơi lớp phủ thực vật bị chặt bỏ và độ ổn định bề mặt đất trở nên kém đi sau giai đoạn thi công.
Vì vậy, ngoài việc ổn định đời sống người dân mất đất canh tác và hỗ trợ người lao động, còn cần phải tăng cường công tác quản lý và kiểm soát - đó chính là KTMT: Ước tính chi phí và tác động môi trường bên ngoài DN, xác định dòng luân chuyển của các tài nguyên thiên nhiên dưới dạng đơn vị tiền tệ; xem xét thông tin liên quan đến môi trường, chi phí liên quan; thu thập và báo cáo thông tin kế toán cấp độ DN và các thông tin khác để phục vụ mục tiêu kế toán quốc gia; lập báo cáo bền vững cung cấp thông tin dưới dạng tài chính, môi trường, xã hội…
Quá trình triển khai thực hiện các công trình thủy điện có rất nhiều tác động tiêu cực tiềm ẩn đến môi trường, do xây dựng hồ, đập, hầm chuyển nước, đường giao thông, làm mất dòng chảy sinh thái, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái cả trên cạn và dưới nước…
Do đó, không chỉ đối tượng bên trong (nhà quản trị DN) mà ngay cả những đối tượng bên ngoài (chính phủ, tổ chức tài chính, cộng đồng dân cư...) đều quan tâm đến các thông tin mà KTMT cung cấp, có thể đó là những thông tin về KTMT dưới dạng đo lường bằng tiền (tiền tệ), hay những báo cáo về KTMT dưới dạng vật chất (phi tiền tệ). Xây dựng hệ thống KTMT trong DN sẽ giúp DN đạt được nhiều lợi ích.
Thứ nhất, nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo niềm tin cho người sử dụng và cơ quan quản lý; Thứ hai, tạo ra những lợi thế mang tính chiến lược, điều này sẽ tạo nên sự khác biệt khá lớn đến nhận thức của người dân, nhất là trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng như hiện nay; Thứ ba, tiết kiệm chi phí tài chính cho DN. Điều này đã được chứng minh qua một số DN tại các quốc gia phát triển khi sử dụng hệ thống KTMT. Nếu các DN không sử dụng KTMT thì các khoản phạt do việc làm ô nhiễm môi trường DN không được xem là chi phí hợp lý.
Nếu DN chấp nhận bỏ chi phí nghiên cứu về việc sản xuất kết hợp với phát triển bền vững với môi trường thì có thể tạo ra được giá trị lớn hơn. Thêm vào đó, KTMT sẽ củng cố niềm tin với các bên liên quan. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức môi trường luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT. Nếu làm tốt việc BVMT thì có thể giúp DN có được những ưu đãi từ các đối tượng này.
Với vai trò quan trọng trong quản lý, trong kế toán, tài chính như vậy, nhưng KTMT nói chung và KTMT trong các DN thủy điện nói riêng thực sự chưa được coi trọng và phát triển như mong muốn của DN và các cơ quan quản lý. Vì vậy, cần có những định hướng phát triển thật bền vững để áp dụng KTMT tại Việt Nam.
Định hướng phát triển kế toán môi trường cho các doanh nghiệp thủy điện
Việt Nam đã ban hành Luật Môi trường lần đầu vào năm 1993 và Luật BVMT sửa đổi vào năm 2005 nhưng chưa ban hành chế độ kế toán có liên quan đến việc tổ chức KTMT trong DN. Trong khi đó, KTMT hiện đang phát triển và phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, nếu nghiên cứu và định hướng tốt cho việc áp dụng KTMT, đặc biệt ứng dụng cho các DN thủy điện, sẽ là công cụ hỗ trợ hữu hiệu trong công tác quản lý, sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định quản trị nội bộ của nhà quản lý DN và thay đổi cái nhìn tích cực về môi trường cho các dự án thủy điện hiện nay đang vướng mắc. Định hướng phát triển KTMT cho các DN nói chung và các DN thủy điện nói riêng, như:
Từ phía cơ quan chức năng
Hoàn chỉnh và đồng bộ hệ thống pháp luật về môi trường và kế toán. Do chế độ hiện hành chưa có các văn bản hướng dẫn DN trong việc bóc tách và theo dõi được chi phí môi trường trong chi phí sản xuất kinh doanh; Chưa có các tài khoản cần thiết để hạch toán các khoản chi phí môi trường cũng như doanh thu hay thu nhập.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần ban hành những chuẩn mực về KTMT, quy định những thông tin môi trường trình bày trong báo cáo cung cấp cho bên ngoài DN, nhằm đảm bảo sự thống nhất quản lý về môi trường.
Ngoài ra, cần đưa ra các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy định có liên quan đến môi trường và quản lý môi trường chặt chẽ và rõ ràng hơn nhằm tạo nền tảng cơ sở và hành lang pháp lý cho việc phát triển hạch toán quản lý môi trường một cách rõ ràng và cụ thể hơn.
Yêu cầu lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện là quy định bắt buộc đối với tất cả các dự án thủy điện, dù nhỏ hay lớn là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không (bởi tình trạng DN “trốn’’ lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ngày càng phổ biến).
Các cơ quan liên quan, các tổ chức BVMT, các hiệp hội nghề nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhằm thay đổi và tăng cường mức độ nhận thức và hành động của các tổ chức, các bên có liên quan đối với vấn đề môi trường trong mỗi DN và toàn bộ nền kinh tế.
Đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường. Theo đó, nền kinh tế xanh phải có mức chất thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.
Từ phía doanh nghiệp
Khuyến khích các DN nghiên cứu ứng dụng nhằm thống nhất sự phân định hoạt động môi trường, qua đó phân loại chi phí môi trường, ghi nhận, đo lường, hạch toán và quản lý các chi phí này một cách hợp lý.
Chủ động quản lý chi phí môi trường và đánh giá tác động của từng dự án ảnh hưởng đến môi trường, từ đó có những giải pháp hạn chế tối đa những tác động xấu, ổn định sản xuất và cải thiện môi trường của dự án. Việc áp dụng những biện pháp BVMT và KTMT sẽ làm tăng chi phí nhưng điều này cũng giúp DN thu được một số lợi ích như giảm chất thải, giảm chi phí xử lý chất thải…
Nâng cao trách nhiệm BVMT của chủ đầu tư các dự án thủy điện. Chủ đầu tư các dự án cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức BVMT xung quanh vì sự phát triển bền vững của cuộc sống - không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân.
Tóm lại, vấn đề đặt ra bức thiết hiện nay là phải cân đối hài hòa giữa mục tiêu năng lượng cho tương lai và môi trường bền vững, sự an toàn của người dân, không thể làm thủy điện bằng mọi giá. KTMT còn khá mới với các DN Việt Nam nhưng áp dụng KTMT vào kế toán Việt Nam, hay cụ thể là các DN thủy điện là rất cần thiết. Khi áp dụng KTMT sẽ giúp các nhà quản lý nắm bắt được những thông tin về môi trường, chi phí môi trường giúp các nhà quản lý nắm rõ và đưa ra những định hướng trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. PGS.,TS. Phạm Đức Hiếu, PGS.,TS. Nguyễn Thị Kim Thái, kế toán quản trị trong DN, NXB Giáo dục, 2012;
2. Nguyễn Thị Thu Huyền, Đánh giá tổng thể ảnh hưởng đến môi trường từ các hoạt động của các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung -Tây Nguyên, đề xuất giải pháp quản lý và BVMT, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, 2013;
3. Lê Anh Tuấn, Nguyễn Lê Nhân, KTMT và sự phát triển bền vững của DN,
Tạp chí Tài chính số kỳ 2, tháng 9/2016;
4. International Federation of Accountants, Environmental Management Accounting, International Guidance Document, USA, 2005;
5. Environmental Accounting Guidlines 2005, Ministry of the Environment, Japan.