Ván cờ vây Biển Đông
(Tài chính) Hình ảnh vệ tinh được tạp chí tin tức quốc phòng HIS Jane’s phân tích, cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa để xây dựng một sân bay dài 3.000m với cảng có thể neo đậu tàu chở dầu và tàu chiến lớn. Đây không phải là hành động đầu tiên, mà là hành động mới nhất trong chuỗi hành động cải tạo đất mà Trung Quốc đang tiến hành ở cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vậy mục tiêu cuối cùng của các dự án cải tạo này là gì? Phương Tây thường coi cuộc chơi của các quốc gia là một ván cờ vua, nhưng giải mã động thái của Trung Quốc bằng cờ vua sẽ không chính xác, bởi Trung Quốc có trò chơi riêng của họ ở Biển Đông: cờ vây.
Cờ vây được biết đến nhiều hơn ở phương Tây với tên gọi bằng tiếng Nhật là cờ go, là trò chơi cờ bàn cổ nhất của Trung Quốc. Trong cờ vua có chiếu tướng thì cờ vây, như tên gọi của nó, là trò chơi bao vây. Trong cờ vây, không có quân, vua, hậu hay tốt, chỉ có những viên đá giống nhau mà sức mạnh của chúng phụ thuộc vào vị trí được sắp xếp trong nhóm lớn hơn. Nếu cờ vua là một trận chiến của các đội quân, thì cờ vây là một cuộc vật lộn giữa các dạng hình thể. Trong khi kỳ thủ cờ vua xuất sắc tiêu diệt sức mạnh vật chất của kẻ thù, thì kỳ thủ cờ vây lại cố gắng giành quyền kiểm soát các vị trí chiến lược mà từ đó, sức mạnh dựa trên vị trí này sẽ lan tỏa.
Nếu Biển Đông được coi là một bàn cờ vua, thì quân cờ mạnh nhất là căn cứ tàu ngầm tên lửa hạt nhân dưới nước tại Du Lâm ở bờ Nam của đảo Hải Nam. Tuy nhiên, căn cứ này không nằm trong các khu vực tranh chấp. Các lực lượng chính mà Trung Quốc tung ra ở Biển Đông hiếm khi là lực lượng quân đội, mà chủ yếu là các tàu đánh cá và các tàu vũ trang hạng nhẹ. Và đối tượng trọng tâm của cuộc tranh chấp là những bãi đá nhỏ, cằn cỗi và thường chìm dưới mặt nước.
Rõ ràng khi nhìn vào ván bài này từ góc độ cờ vua, thì như một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ đã nói: “các cường quốc không gây chiến vì những hòn đá”, Trung Quốc chỉ đang đi những quân tốt. Nhưng trong mắt của người chơi cờ vây, điều mà Trung Quốc đã làm ở Biển Đông là một ví dụ kinh điển về cách thức làm chủ lối chơi này. Mục tiêu tối thượng là giành được quyền kiểm soát khu vực. Chiến dịch để đạt được mục tiêu phụ thuộc vào sự bành trướng dần dần, chứ không phải là các trận chiến lớn. Sự bành trướng này là công cuộc kéo dài diễn ra trong nhiều thập kỷ. Phù hợp với chiến lược này là các chiến thuật ưa thích như cắt lát salami và ngoại giao cây gậy nhỏ. Logic cơ bản là dịch chuyển dần dần mọi thứ theo hướng có lợi cho sự thống trị của Trung Quốc bằng cách kín đáo điều khiển sự bố trí chiến lược của khu vực.
Chiến lược này cần đến một số yêu cầu, mà mỗi một yêu cầu được xây dựng trên cái còn lại. Yêu cầu đầu tiên là tránh các cuộc tấn công vũ trang công khai càng nhiều càng tốt; có thể khởi xướng xung đột, nhưng chỉ nhằm lợi dụng một tình huống có lợi đang tồn tại. Hai là kiểm soát phần lớn các vị trí chiến lược trên biển: nếu chưa sở hữu được thì phải bí mật chiếm giữ các vị trí này nếu có thể và trong phạm vi một cuộc xung đột có giới hạn nếu cần thiết. Ba là xây dựng các vị trí này thành các điểm kiểm soát mạnh mẽ, các trung tâm hậu cần sôi nổi và các căn cứ triển khai sức mạnh hiệu quả.
Lịch sử can dự của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông đã tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu này. Trong khi sẵn sàng tham gia đối đầu quân sự, Trung Quốc thường tránh sử dụng các trận chiến vũ trang quy mô lớn để mở rộng phạm vi kiểm soát. Suốt 6 thập kỷ qua, trong vô số nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giành giật các vùng lãnh thổ mới, chỉ có 2 lần liên quan tới các cuộc xung đột vũ trang. Lần đầu diễn ra vào tháng 1.1974 với Việt Nam Cộng hòa và kết thúc với việc Trung Quốc chiếm giữ nửa phía Tây của Quần đảo Hoàng Sa, nhóm đảo Lưỡi Liềm từ tay Việt Nam Cộng hòa. Cuộc xung đột vũ trang thứ hai nhỏ hơn nhưng không kém phần đẫm máu - chống lại nước Việt Nam thống nhất tại bãi đá Gạc Ma vào tháng 3.1988.
Điều đáng nói là hai cuộc đối đầu đều diễn ra vào thời điểm xuất hiện khoảng trống quyền lực trong khu vực, lần đầu là sự rút lui của Mỹ và lần thứ hai là Nga. Trong cả hai sự kiện, Trung Quốc đều có được tín hiệu đèn xanh từ Mỹ, bên tham gia mạnh mẽ nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Kết quả là các cuộc đụng độ quân sự với Việt Nam hầu như không gây ra những hậu quả về ngoại giao.
Yêu cầu thứ hai được phản ánh rõ nét trong việc lựa chọn địa điểm chiếm đóng của Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp. Khi Trung Quốc cạnh tranh với Việt Nam về chỗ đứng ở quần đảo Trường Sa năm 1988, họ đã đánh đổi lượng lấy chất. Trung Quốc chiếm giữ 6 bãi đá so với con số 11 của Việt Nam. Nhưng 5 trong 6 bãi đá đó là những cấu trúc chiến lược nhất của quần đảo này.
Lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập, một trong những bãi đá đẹp nhất của quần đảo Trường Sa xét về mặt vị trí và khả năng cải tạo đất. Bãi đá này chiếm giữ một vị trí lý tưởng ở cửa ngõ phía Tây của quần đảo Trường Sa và là một trong số ít đảo ở Trường Sa nằm ở chỗ giao cắt của phần lớn các tuyến đường vận chuyển xuyên đại dương đi qua Biển Đông. Vị trí không quá xa nhưng cũng không quá gần với các nhóm đảo khác khiến cho Đá Chữ Thập giảm bớt được khả năng dễ bị tổn thương và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó. Ngoài những lợi thế này, đá Chữ Thập có diện tích 110km2, một trong những cấu trúc lớn nhất quần đảo Trường Sa.
Bốn trong 5 vị trí còn lại, gồm các bãi đá Xubi (Subi Reef), đá Ga Ven (Gaven Reef), đá Gạc Ma (Johnson South Reef) và đá Châu Viên (Cuarteron Reef) - nằm ở rìa của 4 nhóm đảo khác nhau, mà từ đây Trung Quốc có thể kiểm soát một khu vực biển rộng lớn cũng như các tuyến đường chủ chốt tiến vào quần đảo Trường Sa. Hai cấu trúc địa hình mà Trung Quốc chiếm giữ sau đó cũng có những giá trị chiến lược to lớn. Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) mà Trung Quốc bí mật chiếm được từ Philippines vào cuối năm 1994 hoặc vào tháng 1.1995, nằm ở trung tâm cách phía đông quần đảo Trường Sa và gần với các tuyến đường biển chạy dọc theo phía đông Biển Đông, bãi cạn Scarborough, mà Trung Quốc chiếm năm 2012 bằng chiến lược ngoại giao cây gậy nhỏ và ngoại giao hai mặt, nằm ở góc đông bắc Biển Đông và là một tiền đồn lý tưởng để giám sát các tuyến đường vận tải chính đi qua khu vực này.
Với quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn Scarborough và một số vị trí chiến lược tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc có lợi thế hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác biệt trong việc kiểm soát cái mà Robert Kaplan mô tả là yết hầu của các tuyến đường biển toàn cầu. Chẳng hạn như đảo Phú Lâm (cấu trúc lớn nhất ở Hoàng Sa), đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi cạn Scarborough hình thành nên chòm sao 4 điểm mà từ đó, chỉ với bán kính 250 hải lý, có thể giúp kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông.
Điều này có nghĩa là tất cả những gì Trung Quốc phải làm để trở thành chúa tể của Biển Đông là phát triển các cơ sở này thành những căn cứ vững chắc mà có thể đem lại cả sự hỗ trợ hậu cần cho vô số tàu đánh cá, tàu chính phủ, tàu ngầm và máy bay để thống trị vùng trời và vùng biển khu vực này, lẫn một số vị trí để thiết lập các khu vực lớn về an ninh và kinh tế.
Đây chính xác là những gì mà Bắc Kinh đang thực hiện. Từ một bãi cát không người ở cách đây 60 năm, đảo Phú Lâm hiện có 1.000 cư dân, cả quân sự lẫn dân sự. Các cơ sở phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự gồm có một sân bay dài 2.700m với một đường băng và một đường bộ song song, có khả năng chứa được 8 máy bay thế hệ thứ 4 hoặc nhiều hơn thế, chẳng hạn như máy bay chiến đấu Su-30 MKK, máy bay ném bom JH-7 và một cảng nước sâu 1.000m có thể cho tàu 5.000 tấn hoặc hơn neo đậu.
Xuôi xuống phía nam quần đảo Trường Sa, bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc đã và đang tiến hành ồ ạt các dự án xây dựng để biến các bãi đá mà nước này chiếm đóng thành các hòn đảo. Theo quan chức tình báo hàng đầu của Đài Loan Lee Hsiang-chou, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phê chuẩn các kế hoạch cải tạo đất để xây dựng các căn cứ quân sự trên 5 hòn đảo nhỏ này, gồm đá Châu Viên, đá Gạc Ma, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và đá Chữ Thập.
Dự án có sức ảnh hưởng lớn nhất trong số những dự án xây dựng này là ở đá Chữ Thập. Từ một bãi đá chìm tự nhiên, đá Chữ Thập sẽ sớm trở thành đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Sau dự án cải tạo đất hiện nay, với diện tích đất dự kiến là 2km2, nó sẽ lớn gấp 4 lần đảo tự nhiên lớn nhất ở quần đảo Trường Sa, đảo Ba Đình, do Đài Loan nắm giữ. Diện tích được mở rộng này sẽ cho phép xây dựng trên đá Chữ Thập một sân bay dài 3.000m, một cảng biển nước sâu, các trạm radar, cũng như chứa một số tên lửa tầm trung đến tầm xa, nhà kho và cơ sở hạ tầng dịch vụ khác có khả năng hỗ trợ hàng trăm tàu đánh cá, tàu tuần tra, tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Với các hòn đảo có vị trí chiến lược và đang được mở rộng, Trung Quốc có tiềm năng hơn bất kỳ một cường quốc nào trong việc giành ưu thế không quân và hải quân tại Biển Đông. Dù vẫn còn một chặng đường dài phải đi, nhưng cũng không khó tưởng tượng ra trong hai thập kỷ tới Bắc Kinh sẽ “rải đầy” các căn cứ hùng mạnh trên Biển Đông, kéo dài từ quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây Bắc cho đến bãi Vành Khăn ở phía Đông Nam, và từ bãi cạn Scarborough ở Đông Bắc cho tới đá Chữ Thập ở phía Tây Nam.
Phải chăng chiến lược bành trướng dần dần này của Trung Quốc là không thể chặn đứng? Mặc dù tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) đã được ký kết giữa Trung Quốc và các nhà nước ASEAN vào năm 2002, hầu như không đem lại lý lẽ gì để phong tỏa các địa điểm xây dựng, nhưng những nhà nước muốn duy trì nguyên trạng vẫn có thể cử các quan sát viên quốc tế tới thẩm tra việc xây dựng và gia tăng sức ép ngoại giao nhằm thuyết phục Trung Quốc ngừng thi công.
Một cách khác có thể thách thức chiến lược cờ vây của Trung Quốc là bắt chặt các bước đi Trung Quốc. Cụ thể, bước đầu tiên, Việt Nam có thể hợp tác với Ấn Độ tiếp cận các cơ sở hải quân ở vịnh Cam Ranh, và Mỹ tiếp cận các căn cứ không quân tại Đà Nẵng - hai trong số những vị trí chiến lược nhất của Việt Nam dọc bờ Biển Đông. Nếu Trung Quốc vẫn không lưu ý đến thông điệp này, thì biện pháp đối phó ban đầu này có thể được tăng cường gấp đôi bằng cách đề xuất cho quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ và Nhật Bản tiếp cận cảng Cam Ranh và Đà Nẵng, mà từ đây họ có thể tuần tra Biển Đông. Cuối cùng, nếu Trung Quốc vẫn quyết tâm biến Biển Đông thành ao nhà, thì một liên minh mạnh mẽ giữa Việt Nam, Philippines, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ là cần thiết để điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực.
Đại chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông là một chiến lược thông minh lợi dụng điểm yếu của các chiến lược dựa trên các trận chiến lớn, hai ví dụ trong số đó bao gồm cả khái niệm tác chiến trên không - trên biển, khái niệm tác chiến hàng đầu của Mỹ nhằm loại bỏ các khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc, và lựa chọn thay thế chủ yếu của nó, khái niệm Kiểm soát ngoài khơi. Nhưng chiến lược bành trướng dần dần này còn lâu mới hoàn hảo. Nó có thể bị phá hỏng nếu Mỹ, Việt Nam và một số cường quốc khu vực khác cũng thạo thuật cờ vây như Trung Quốc.