Vấn đề đặt ra đối với ngành Kiểm toán trong bối cảnh đại dịch Covid–19

ThS. Nguyễn Thị Thanh Thắm, ThS. Trần Thị Phương Nhung, ThS. Ninh Thị Thảo - Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên

Năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng ra phạm vi toàn cầu. Dịch bệnh đã và đang tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã, đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu nên ít nhiều cũng tạo ra những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế Việt Nam. Tình hình đó đặt ra cho nền kinh tế nói chung và ngành Kiểm toán nói riêng nhiều vấn đề mới cần phải được xem xét và giải quyết.

Kiểm toán viên cần thảo luận với kiểm toán viên của đơn vị thành viên về các tác động tiềm ẩn phát sinh từ dịch Covid-19
Kiểm toán viên cần thảo luận với kiểm toán viên của đơn vị thành viên về các tác động tiềm ẩn phát sinh từ dịch Covid-19

Ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 đối với ngành Kiểm toán Việt Nam

Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp (DN) đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch bệnh Covid-19...

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, công tác kế toán và việc lập báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán nói riêng. Điều này đòi hỏi kiểm toán viên phải xem xét mức độ tác động của đại dịch đến hoạt động của DN được kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán cho phù hợp.

Nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp được kiểm toán gồm:

Sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng; tình trạng thiếu hụt nhân lực và giảm năng suất; việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và khó khăn trong xác định nguồn cung thay thế; những ảnh hưởng đến dòng tiền và các khoản liên quan đến nguồn hỗ trợ của Chính phủ. Nhân tố rủi ro tổng thể gồm: Các lo ngại về tính thanh khoản; chi phí hoạt động tăng lên; DN vi phạm điều khoản trong khế ước vay nợ. Nhân tố rủi ro cụ thể liên quan đến các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính (BCTC) gồm: hàng tồn kho; doanh thu có thể được ghi nhận không đúng thực tế; giả định hoạt động liên tục của DN có thể không được đảm bảo; một số nhóm tài sản sẽ không thể được phục hồi…

Nhóm nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên như:

Phải xây dựng quy trình kiểm toán thay thế nếu không thể kiểm kê hàng tồn kho trực tiếp; khó truy cập thông tin và kiểm tra tài liệu, chứng từ gốc khi làm việc từ xa; phạm vi kiểm toán tập đoàn sẽ thay đổi; việc giám sát đầy đủ công việc của các thành viên tổ kiểm toán cũng gặp nhiều khó khăn; hoạt động kiểm soát nội bộ đối với BCTC của DN thay đổi; phải tăng cường sử dụng dịch vụ định giá, sử dụng chuyên gia thuế…

Trong bối cảnh đó, vấn đề đặt ra cho ngành Kiểm toán là các phương pháp kiểm toán truyền thống, cách thức thực hiện kiểm toán truyền thống liệu có còn phù hợp với tình hình hiện tại nữa hay không. Với sự hoài nghi nghề nghiệp, một loạt các câu hỏi thường được đặt ra bởi kiểm toán viên đó là: Liệu ban lãnh đạo và nhân viên của các DN có áp lực về các chỉ số tài chính hay các chỉ tiêu quản lý nhằm đạt được mức thu nhập như kỳ vọng, dẫn đến phát sinh và gia tăng gian lận hay biển thủ tài sản? Liệu phương thức làm việc tại nhà hay từ xa của các DN hoặc một bộ phận của DN có dẫn tới các quy trình kinh doanh thay đổi, hệ thống kiểm soát nội bộ thay đổi tạo nên các lỗ hổng trong kiểm soát và gia tăng gian lận? Liệu DN có thể hoạt động liên tục khi một số ngành nghề gần như bị ngừng hoạt động (hoạt động hàng không, du lịch quốc tế…), địa bàn hoạt động và thị trường bị giãn cách xã hội hoặc chuỗi cung ứng bị gián đoạn không cung cấp nguyên vật liệu kịp thời hoặc hàng hóa, thành phẩm không được giao đúng kỳ hạn.

Khi kiểm toán tập đoàn, kiểm toán viên cần thảo luận với kiểm toán viên của đơn vị thành viên về các tác động tiềm ẩn phát sinh từ dịch bệnh Covid-19; xem xét các rủi ro gia tăng do thông tin tài chính đã được ghi chép có thể không chính xác hoặc không đầy đủ; sửa đổi các đánh giá rủi ro và kế hoạch kiểm toán cho phù hợp…

Khi kiểm toán viên làm việc từ xa, việc đánh giá và xác định rủi ro tổng thể báo cáo tài chính và rủi ro ở các tài khoản cần thận trọng hơn, không chỉ đối với thủ tục phân tích mà còn đối với việc đánh giá các bằng chứng kiểm toán thu thập được trong việc thực hiện kiểm tra mẫu chọn. Các mẫu chọn không được kiểm tra trực tiếp cần được xem xét làm thêm các thủ tục như: quy trình của khách hàng về đảm bảo tài liệu scan (chụp) cho kiểm toán viên và tài liệu gốc là giống nhau; một số các thủ tục cần được thực hiện qua video hay zoom (ví dụ: kiểm kê chọn mẫu) thay vì chỉ bằng điện thoại hay email; trong trường hợp phỏng vấn qua điện thoại, cần xem xét việc có người thứ 3 chứng kiến hay không. Ngoài ra, các thủ tục đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của dữ liệu hay tài liệu mà DN cung cấp cho kiểm toán viêncũng cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Sự hoài nghi nghề nghiệp và tính xét đoán chuyên môn của kiểm toán viên cần nâng cao hơn bao giờ hết mới có thể giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

Các kiểm toán viên phải làm thêm các thủ tục khác mà trong giai đoạn kinh tế bình thường họ không cần phải thực hiện cũng làm cho chi phí kiểm toán tăng lên, trong khi phí kiểm toán không tăng, hoặc đôi khi bị giảm do quy mô kinh doanh của đơn vị được kiểm toán giảm cũng là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp kiểm toán. Tuy nhiên, không vì điều này mà chất lượng kiểm toán bị giảm. Do rủi ro kiểm toán cao hơn nên các doanh nghiệp kiểm toán sẽ tập trung vào kiểm soát chất lượng và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên, nhằm giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

Việc đào tạo và đào tạo lại các vấn đề cơ bản về kiểm toán, kế toán, thuế hay các luật hiện hành ở tất cả các cấp bậc nhân viên kiểm toán, tập trung vào các khu vực kiểm toán, khoản mục quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 là yêu cầu bắt buộc để gia tăng chất lượng kiểm toán. Đồng thời, chú trọng áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm thực hiện xác định rủi ro và dùng các công nghệ hiện đại trợ giúp kiểm toán viên thực hiện công tác kiểm toán từ xa.

Nâng cao chất lượng kiểm toán trong bối cảnh đại dịch Covid-19

Kiểm toán viên cần đánh giá lại các rủi ro có sai sót trọng yếu của BCTC, có thể sửa đổi các đánh giá rủi ro và các thủ tục kiểm toán đã lập kế hoạch trước đó; kiểm tra lại hệ thống phòng vệ của DN để xác định các nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng đến tính độc lập; kiểm tra tính hợp lý và đánh giá các giả định được sử dụng để xây dựng dự phòng dòng tiền; sửa đổi thủ tục, quy trình kiểm toán đối với những rủi ro mới…

Kiểm toán viên có thể phải thay đổi phương pháp và thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán để đảm bảo không bị giới hạn phạm vi kiểm toán. Theo đó, kiểm toán viên cần chứng kiến kiểm kê hàng tồn kho vào một ngày khác với ngày kết thúc kỳ kế toán hoặc thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế khi không thể chứng kiến kiểm kê; xem xét giới hạn phạm vi nào có thể dẫn đến ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần… Kiểm toán viên cần xem xét tính hợp lý của giả định hoạt động liên tục của đơn vị, nhận định yếu tố không chắc chắn trọng yếu ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của đơn vị cần được trình bày đầy đủ trên BCTC; thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung khi nhận thấy các sự kiện hoặc điều kiện có thể dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của đơn vị; yêu cầu Ban giám đốc xác nhận bằng văn bản về các kế hoạch hành động trong tương lai của họ…

Liên quan đến các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, kiểm toán viên có thể xem xét tác động của các sự kiện này đối với việc đánh giá sự suy giảm tài sản và thuyết minh của Ban giám đốc về các rủi ro liên quan; xem xét cẩn thận các sự kiện theo yêu cầu của Chuẩn mực kế toán số 23 - Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm… Khi kiểm toán tập đoàn, kiểm toán viên cần thảo luận với kiểm toán viên của đơn vị thành viên về các tác động tiềm ẩn phát sinh từ dịch Covid-19; xem xét các rủi ro gia tăng do thông tin tài chính đã được ghi chép có thể không chính xác hoặc không đầy đủ; sửa đổi các đánh giá rủi ro và kế hoạch kiểm toán cho phù hợp… Ngoài ra, kiểm toán viên cần xem xét các tác động đối với báo cáo kiểm toán dựa trên điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, từ đó đưa ra ý kiến kiểm toán phù hợp.

Khi đánh giá bằng chứng kiểm toán, kiểm toán viên phải thực hiện đánh giá tính đầy đủ và tính thích hợp của bằng chứng kiểm toán. Sau khi hoàn thành các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên xem xét lại hồ sơ kiểm toán nhằm xác định các nội dung kiểm toán đã được kiểm toán một cách đầy đủ và thích hợp. Trên cơ sở bằng chứng thu thập được, kiểm toán viên phải xem xét lại đánh giá ban đầu về rủi ro và trọng yếu kiểm toán, xác định xem có cần thiết phải tiến hành các thủ tục kiểm toán bổ sung hay không. Trên cơ sở các bằng chứng kiểm toán, các phát hiện kiểm toán sẽ được đưa ra.

Khi đưa ra ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên phải xem xét tất cả bằng chứng kiểm toán liên quan, bất kể bằng chứng này chứng thực là đúng hay mâu thuẫn với các cơ sở dẫn liệu. Nếu chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến một cơ sở dẫn liệu trọng yếu, kiểm toán viên phải thu thập thêm bằng chứng kiểm toán.

Các đơn vị kiểm toán cần chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của kiểm toán viên thông qua các khóa đào tạo, tọa đàm chuyên môn để nâng cao khả năng phân tích, xử lý thông tin, phát hiện bằng chứng kiểm toán. Các đơn vị kiểm toán cần ưu tiên bố trí các kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm để tham gia kiểm toán ngay từ khi thu thập thông tin lựa chọn chủ đề kiểm toán, khảo sát thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán, từ đó có thể phát hiện và củng cố bằng chứng kiểm toán một cách hiệu quả.

Đối với các cuộc kiểm toán quan trọng, có quy mô lớn, đặc biệt là những cuộc kiểm toán được giao đột xuất, không có trong kế hoạch kiểm toán năm, các đơn vị cần bố trí các kiểm toán viên có năng lực, trình độ tốt nhất để tham gia kiểm toán.

Ngành Kiểm toán cần xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực kiểm toán trong cả ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược được xây dựng căn cứ vào thực trạng kế toán, kiểm toán và những vấn đề do bối cảnh mới đặt ra; Tập trung phát triển đảm bảo ngành kiểm toán vận hành đồng bộ, hoạt động có hiệu quả, chất lượng, phù hợp với cơ chế thị trường và thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đặc biệt là các thành tựu công nghệ hiện đại được phát minh từ Cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua việc xây dựng và hoạch định chiến lược về phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực kiểm toán; Ưu tiên nguồn lực để phát triển những giải pháp công nghệ mới, khuyến khích những ý tưởng và kế hoạch sáng tạo nhằm ứng dụng và phát triển công nghệ kỹ thuật.

Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên rà soát các văn bản pháp luật, các chính sách, quy định, hướng dẫn có liên quan đến hoạt động của lĩnh vực kiểm toán để nắm bắt và chỉnh sửa kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động hiệu quả và góp phần hoàn thiện thể chế về hoạt động kiểm toán.

Vấn đề an ninh mạng nên được đặc biệt chú trọng. Cần đầu tư, trang bị các giải pháp về an ninh, bảo mật, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về an ninh, bảo mật; phát hiện và xử lý kịp thời những lỗ hổng về bảo mật; nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, nhất là quản trị rủi ro.

Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế đáp ứng yêu cầu phổ cập tài chính chất lượng cao cho nền kinh tế; phát triển dịch vụ kiểm toán đa dạng có hàm lượng tri thức và công nghệ cao; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ kế toán, kiểm toán của các doanh nghiệp, tổ chức…

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Thị Thu Hương, Phạm Tiến Mạnh (2021), Đánh giá tác động của đại dịch  Covid-19 đến các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Tài chính; 

2. Đoàn Thị Hồng Thịnh, Nguyễn Thị Huyền (2018), Phát triển lĩnh vực kế toán –  kiểm toán trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính;

3. Nguyễn Quang Thuấn (2020), Tác động của đại dịch Covid-19 và một số giải  pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới, Tạp chí Cộng sản;

4. Cổng thông tin điện tử Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, https://www.sav.gov.vn.