Văn phòng cho thuê khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ “tăng nhiệt”?
“Theo quy luật ước đoán, cứ một nhân viên sử dụng 10m2 sàn, thì 20 thành phố cửa ngõ của châu Á- Thái Bình Dương sẽ phải có 40 triệu m2 sàn văn phòng, như vậy mới đáp ứng đủ nhu cầu việc làm trong giai đoạn 2018-2020”, ông Myles Huang, Giám đốc nghiên cứu thị trường, Tập đoàn đa quốc gia Jones Lang LaSalle (JLL) dự báo.
Theo ông Myles Huang, tuy không phải tất cả nhân viên đều yêu cầu không gian làm việc tiêu chuẩn nhưng cũng cần phải có một lượng cung văn phòng khá lớn mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu tương lai, ước tính trong 3 năm tới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ cần khoảng 15 và 20 triệu m2 văn phòng Hạng A.
Nguồn: Dự báo của Oxford Economics (2018), Cẩm nang tư vấn dịch vụ bất động sản của JLL (Qúy I/2018).
|
Ngoài các trung tâm tài chính quốc tế như: Hồng Kông, Singapore, Sydney và Tokyo, JLL cũng ghi nhận: Tại Trung Quốc, lượng hấp thụ văn phòng từ các công ty tài chính đang có sự tăng trưởng mạnh trở lại. Những công ty dịch vụ với ngân sách thấp hơn thì lại chọn những điểm như Ấn Độ, Philippines và Việt Nam. “Khách thuê văn phòng lĩnh vực tài chính và dịch vụ chủ yếu bao gồm ngành Tài chính, bảo hiểm và dịch vụ bất động sản, dịch vụ tư vấn pháp lý và kế toán”, ông Myles Huang thông tin.
Đưa ra dự báo về nhu cầu văn phòng cho thuê trong 3 năm tới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổ chức Oxford Economics cũng cho rằng, số lượng nhân viên làm việc trong lĩnh vực tài chính và dịch vụ trong 3 năm tới tại 20 thành phố lớn của châu Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ tăng thêm 2,4 triệu người, phần lớn tập trung tại các thành phố cấp 1 của Trung Quốc, Ấn Độ và Manila.
Ngoài tài chính và dịch vụ, lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng và trở thành đối thủ cạnh tranh thuê văn phòng với ngành tài chính và dịch vụ. JLL ước tính, ngành công nghiệp công nghệ, truyền thông và viễn thông hiện chiếm khoảng 50-60% diện tích sử dụng văn phòng hạng A ở các thành phố cấp I của Ấn Độ.
Tại Trung Quốc, dữ liệu của Chính phủ nước này cũng thống kê, có tới 1,5 triệu lao động đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, ứng dụng phần mềm và công nghệ thông tin ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Tại Philippines, ngày càng nhiều công ty trò chơi trực tuyến thiết lập văn phòng. Tương tự, tại Việt Nam, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực thương điện tử cũng đã gia nhập thị trường.
Tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và viễn thông cũng được JLL dự báo là sẽ theo sát lĩnh vực tài chính và dịch vụ. Khảo sát năm 2016-2027 cho thấy, ngành công nghệ thông tin tại Ấn Độ sở hữu khoảng 3,9 triệu lao động, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. “Tại Trung Quốc, hoạt động kinh doanh trực tuyến từ thương mại điện tử đến FinTech đang tạo ra hàng triệu việc làm mới mỗi năm”, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.