Văn phòng chủ tịch nước họp báo công bố Luật dự trữ quốc gia

Theo Công thông tin Điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Chiều ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước số 24/2012/L-CTN ngày 3/12/2012 về việc công bố Luật dự trữ quốc gia, đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước tham dự lễ công bố.

Văn phòng chủ tịch nước họp báo công bố Luật dự trữ quốc gia
Toàn cảnh buổi họp báo

Thay mặt Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai giới thiệu những nội dung cơ bản Luật dự trữ Quốc gia. Với 6 Chương, 66 Điều, Luật dự trữ Quốc gia đã tạo khung pháp lý cao cho hoạt động dự trữ Quốc gia, khẳng định và nâng vai trò của dự trữ Quốc gia lên một tầm cao mới trong cơ cấu tổ chức của bộ máy nhà nước.

 

Thứ nhất, Luật dự trữ Quốc gia đã kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh dự trữ Quốc gia là nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

 

Thứ hai, Luật dự trữ Quốc gia quy định một số chính sách của Nhà nước về dự trữ Quốc gia  như:  chính sách về phát triển dự trữ Quốc gia ; chính sách về xây dựng dự trữ Quốc gia bảo đảm thực hiện mục tiêu dự trữ Quốc gia , phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; chính sách đầu tư nghiên cứu phát triển khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ bảo quản, công nghệ thông tin để hiện đại hóa hoạt động dự trữ Quốc gia ; chính sách huy động nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dự trữ Quốc gia .

Thứ ba, Luật dành một số điều quy định nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý dự trữ Quốc gia từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành quản lý dự trữ Quốc gia và của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm phù hợp với phân công, phân cấp về quản lý dự trữ Quốc gia, tạo điều kiện để các quy định của Luật dự trữ Quốc gia được thực hiện thông suốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả dự trữ Quốc gia. Luật dự trữ Quốc gia cũng quy định cơ quan dự trữ Quốc gia chuyên trách có nhiệm vụ tham mưu để Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về dự trữ Quốc gia; trực tiếp quản lý hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, Luật dự trữ Quốc gia quy định rõ các mặt hàng thuộc danh mục hàng dự trữ Quốc gia phải đáp ứng được mục tiêu dự trữ Quốc gia và đáp ứng một trong các tiêu chí: (i) là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; (ii) là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; (iii) là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.

Thứ năm, Luật quy định về: i) nguyên tắc sử dụng hàng dự trữ Quốc gia; ii) trách nhiệm xuất cấp, tiếp nhận hàng dự trữ Quốc gia đối với cơ quan, tổ chức, UBND cấp tỉnh; iii)  trách nhiệm quản lý, sử dụng hàng dự trữ Quốc gia của bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức sau khi nhận hàng dự trữ Quốc gia.

 

Để triển khai thực hiện Luật dự trữ Quốc gia, trong thời gian tới, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện luật. Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, tổ chức phổ biến, tập huấn nội dung của luật.

Văn phòng chủ tịch nước họp báo công bố Luật dự trữ quốc gia  - Ảnh 1