Vàng vẫn là “hầm trú ẩn” tài sản trước chính sách thuế quan của Mỹ
Trong khi thị trường chứng khoán “chao đảo”, chìm trong sắc đỏ, chỉ số USD cũng đi xuống thì chỉ có vàng tăng dựng dựng, hiện đang quanh mốc 3.150 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng 3/4/2035.

Trước đó, từ nửa cuối tháng 3/2025, giá vàng đã liên tục tăng nhờ dòng tiền trú ẩn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp dụng các chính sách thuế mạnh hơn.
Hơn nữa, theo ông John Reade, Giám đốc Chiến lược thị trường của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), giá vàng tăng nhanh cho thấy sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự bất ổn kinh tế và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ.
Đáng chú ý, giá vàng đã tăng từ 2.500 USD/ounce lên 3.000 USD/ounce chỉ trong vòng 210 ngày - nhanh hơn nhiều so với các lần tăng giá trước đây.
Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy giá vàng đã tích lũy được đà tăng mạnh mẽ trong suốt 2 năm qua.
Ông John Reade cũng nêu, giá vàng chạm mốc 3.000 USD đánh dấu một mốc quan trọng, từ mốc 1.000 USD/ounce trong cuộc khủng hoảng tài chính tăng lên mốc 2.000 USD/ounce trong thời đại dịch, vàng đã được chứng minh mang lại hiệu suất tốt trong những thời điểm mà nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro và mang lại lợi nhuận tương đương với hầu hết các loại tài sản khác kể từ năm 1971.
“Kể từ năm 2022, vàng đã phá vỡ mối quan hệ mật thiết với lãi suất tại Mỹ và đồng USD khi các ngân hàng trung ương tăng gấp đôi lượng vàng mua vào và nhu cầu đầu tư vàng tại các thị trường mới nổi tăng vọt”, ông John Reade nhận định.
Hơn nữa, các yếu tố địa chính trị bao gồm việc phi đô la hóa, các lệnh trừng phạt kinh tế và những lo ngại về lạm phát đã thúc đẩy hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương.

Trong bối cảnh sự phân mảnh kinh tế toàn cầu tiếp diễn, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đóng vai trò như một động lực chính của nhu cầu thị trường vàng và định hình cách thị trường vàng vận hành và phát triển trong dài hạn.
Đặc biệt, ngay sáng 3/4/2025 (theo giờ Việt Nam), sau khi Tổng thống Mỹ công bố mức thuế đối ứng mạnh hơn so với nhiều dự đoán, trong đó Việt Nam chịu mức 46%, càng khiến giá vàng leo thang, đã có thời điểm tăng lên gần 3.163 USD/ounce, trong khi chỉ số USD Index đo lường sức mạnh của đồng USD rơi xuống 103 điểm.
Với thị trường trong nước, giá vàng cũng biến động mạnh, hiện giá vàng SJC đang ở mức 99,7-102,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 600.000 đồng mỗi lượng so với phiên trước.
Trong khi giá vàng nhẫn tròn trơn tại các thương hiệu kinh doanh vàng khác đang tăng tới 1 triệu đồng mỗi lượng, hiện lên mức 100,1-102,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giám đốc Chiến lược thị trường của WGC cho hay, chính sách thuế quan của Mỹ và cuộc chiến thương mại đang diễn ra đã làm gia tăng các rủi ro kinh tế và biến động thị trường. Những yếu tố này càng khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến vàng như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư quan trọng.
Mặc dù các rủi ro gia tăng và sự bất ổn đã thúc đẩy tâm lý tích cực đối với vàng, nhưng ông John Reade cho rằng, để giá vàng duy trì ở mức cao một cách ổn định, cần có sự gia tăng nhu cầu đầu tư.
Điều này có thể đạt được thông qua việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường mua vàng hoặc sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư phương Tây, nhưng vẫn cần thời gian để chờ xem vàng có thế giữ được mức giá lịch sử như hiện nay hay không.