Vàng đã mất giá đến 28% trong năm 2013 (mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1981). Tuy nhiên, sang đến năm 2014, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại (trong quý I); Đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi bị sụt giảm giá trị; Bất ổn về chính trị và căng thẳng giữa các nước ở khắp nơi trên thế giới, như ở Thái Lan, Syria và đặc biệt tại Iraq và Ukraine đã là các nhân tố mới thúc đẩy thị trường vàng “tấp nập” trở lại.
Đến ngày 13/8/2014, trên Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2014 ở mức 1.310,60 USD/ounce… Như vậy, hiện vàng đã tăng giá 9% trong năm nay. Đà tăng của giá vàng khiến giới đầu tư hy vọng rằng cơn suy giảm giá vàng kéo dài từ ba năm trước cuối cùng có thể đã qua.
Một số chuyên gia nhận định vàng sẽ tiếp tục tăng giá do các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm một công cụ, một hàng rào chống lại lạm phát tăng cao, biến động tiền tệ và bất ổn địa chính trị, nhất là các sự kiện gần đây tại Iraq và Trung Đông. Theo giáo sư tài chính Campbell Harvey tại Đại học Duke, một trong những chuyên gia hàng đầu về giá vàng, thứ kim loại quý này sẽ sớm trở lại mức giá cao nhất mọi thời gian hồi tháng 8/2011.
Bên cạnh các rủi ro địa chính trị, vàng còn đang nhận được sự hỗ trợ từ việc kinh tế châu Âu ảm đạm có thể khiến ECB tiếp tục nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế.
“Vịnh tránh bão” an toàn?
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn lạc quan đối với vàng. Nhiều chuyên gia phân tích cho biết, nền tảng cơ bản nhất là nhu cầu vàng vật chất hiện vẫn đang rất yếu và nhu cầu này sẽ không xuất hiện nếu vàng không giảm xuống khu vực 1.280 – 1.285 USD/ounce.
Bên cạnh đó, Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures cho rằng, sự tăng giá của vàng dựa trên yếu tố rủi ro địa chính trị thường chỉ mang tính ngắn hạn. Hơn nữa, các số liệu kinh tế khả quan ở nhiều nước như Mỹ, Trung Quốc… đang làm tăng triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và hạn chế nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn như vàng.
Thậm chí, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vừa có báo cáo nhắc lại dự báo giá vàng sẽ giảm xuống 1.050 USD/ounce trong năm nay, do sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng nâng dự báo giá lên 13% và cho rằng giá vàng sẽ đạt 1.200 USD/ounce vào cuối tháng 9/2015.
Với giá vàng trong nước, nhiều chuyên gia nhận định hiện nay mức sinh lời của vàng không còn cao, giá vàng không thể tăng lên mức hơn 40 triệu đồng/ lượng. Nhu cầu giao dịch trên thị trường vàng hiện khá trầm lắng, mức chênh lệch giá trong và ngoài nước có thể được các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng kéo giảm bằng cách giảm bớt giá bán, dẫn đến nhà đầu tư gánh chịu rủi ro…
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 8-2014
Vàng: “Vịnh tránh bão” an toàn?
(Tài chính) Vàng là một trong những loại tài sản lên giá tốt nhất trong năm 2014. Đây là tin tốt cho các nhà đầu tư vàng sau một vài năm chịu tổn thương lớn từ sự điều chỉnh của thứ kim loại quý này. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Vàng đã thực sự là “nơi trú ẩn” an toàn hay chưa?
Xem thêm