Vay tiền qua App: Nghìn lẻ một bẫy lừa

Theo Nguyễn Giang/diendandoanhnghiep.vn

Hình thức cho vay qua các ứng dụng công nghệ (App) ngày càng nở rộ khiến bao người khốn khổ, bởi vướng vào “vòi bạch tuộc” không có lối thoát khi trót vay tiền từ các App “đen” với lãi suất “cắt cổ”…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những năm gần đây, hình thức cho vay tiền qua các App ngày càng nở rộ với nhan nhản những lời quảng cáo mật ngọt, hấp dẫn. Cách thức, thủ tục cho vay nhanh gọn, chỉ thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người đi vay cũng không cần có tài sản bảo đảm…

Đáng chú ý, hiện nay xuất hiện nhiều App cho vay tiền hoạt động tương tự tín dụng đen. Với một số người cần gấp số tiền không quá lớn, hoặc quá gấp rút để giải quyết công việc họ thường “tặc lưỡi” cho qua, thế nhưng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn khi không thể trả được nợ, họ thực sự “hãi hùng” bởi lãi suất cắt cổ cùng những chiêu “khủng bố” đòi nợ “tàn khốc”…

Do thiếu hụt tiền trang trải cuộc sống nên chị P. (quê tại tỉnh Trà Vinh) nghĩ đến việc vay tiền để chi tiêu. Nghe một số người nói có dịch vụ vay tiền qua App trên điện thoại di động nên chị P. lần mò tìm hiểu.

Thấy một App có cho vay tiền với lãi suất vay chỉ có 0% (nếu trả đủ trong vòng 7 ngày), thủ tục đơn giản, nhanh chóng, dễ vay, chỉ cần cung cấp số chứng minh nhân dân, 5 số điện thoại di động của gia đình, người thân, nên chị P. đã thực hiện các thao tác vay tiền trên ứng dụng này với số tiền 3 triệu đồng.

Qua tuần đầu tiên, chị P. trả đầy đủ theo điều kiện hợp đồng và không phải mất tiền lãi, chỉ mất một ít “phí dịch vụ”.  Tiếp đó, chị P. nhận được nhiều tin nhắn, số điện thoại lạ gọi đến gợi ý vay tiền, với lý do chị P. là khách hàng uy tín, đủ điều kiện để nhận được ưu đãi khi vay tiền qua App trên di động.

Do cần tiền chi tiêu nên chị P. tiếp tục đăng ký vay tiền trên một app cho vay khác với số tiền 3 triệu đồng, điều kiện là quá 7 ngày sẽ bị phạt 10% trên số tiền vay. Tuy nhiên, khi đăng ký vay xong chị P. chỉ nhận được 2,3 triệu đồng chuyển vào tài khoản, số tiền bị trừ thì các đối tượng cho rằng thu lãi trước và đây là “phí dịch vụ”.

Do chị P. không xoay sở trả tiền đúng hạn, các đối tượng liên tục gọi điện cho chị và người thân của chị với mục đích đe dọa đòi nợ. Không muốn liên lụy đến gia đình, người thân, chị P. tiếp tục vay tiền qua các app khác trên di động để trả nợ. Theo chị P., các app chị vay đều có chung đặc điểm đó là vay 3 triệu đồng nhưng người vay chỉ nhận 2,3 triệu đồng và phải trả trong 7 ngày. Nếu không trả nợ đúng hạn thì cứ qua 1 ngày, tài khoản vay trên app bị phạt 10% trên số tiền vay.

Cụ thể, khi qua ngày thứ 8, người vay phải trả số tiền là 3,3 triệu đồng. Trong đó, gồm 3 triệu đồng tiền gốc và 300 ngàn đồng tiền phạt. Số nợ cứ thế tăng dần theo từng ngày.

Biết là vay tiền như vậy phải chịu lãi suất cao, bị phạt nặng khi không trả đúng hạn, nhưng chị P. vẫn không dừng lại hoặc tìm hướng khác. Chị vẫn tiếp tục vay tiền của nhiều app khác nhau để tiêu xài và trả nợ cho các khoản vay qua app trước đó.

Cứ như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, chị P. đăng ký vay tiền của khoảng 50 app trên mạng. Số tiền chị P. thực lĩnh chỉ được khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng tổng số tiền cả gốc, lãi và tiền phạt chị P. phải trả lên tới gần 500 triệu đồng. Với việc vay App này để trả nợ cho app kia và vay mượn của người thân, chị P. đã trả nợ cho các App được khoảng 200 triệu đồng. 300 triệu đồng còn lại chị không biết xoay tiền đâu để trả. Sau nhiều lần bị gọi điện thoại đòi nợ, thậm chí bị đe doạ, khủng bố tinh thần chị P. đã phải gửi đơn đơn đến cơ quan Công an cầu cứu.

Bảng tham chiếu số nợ phải trả của một khách hàng. Ảnh: KH cung cấp
Bảng tham chiếu số nợ phải trả của một khách hàng. Ảnh: KH cung cấp

Trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Nga (42 tuổi, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) nhận được đường link của App cho vay tiền online gửi qua tin nhắn điện thoại với quảng cáo “cho vay 30 triệu lãi suất 0%”, muốn tìm hiểu nên chị Nga điền thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và cho phép app truy cập danh bạ.

Hôm sau, một người xưng nhân viên App gọi điện thông báo đã giải ngân 1,8 triệu đồng, yêu cầu sau 8 ngày phải trả 3 triệu đồng cả gốc lẫn lãi, thấy lãi suất cao "cắt cổ", chị Nga lập tức từ chối. Nhưng vài tiếng sau, tài khoản của chị đã nhận 1,8 triệu đồng. Chị Nga gọi điện cho nhân viên App để chuyển lại tiền nhưng không thể liên lạc được, đành chờ nhân viên App liên hệ lại.

"Tự nhiên có tiền từ trên trời rơi xuống khiến tôi không biết phải làm sao. Họ tự ý chuyển tiền ép vay trong khi tôi không thỏa thuận. Tôi nghĩ mình chỉ điền thông tin vào link để tìm hiểu", chị Nga chia sẻ.

Không muốn dây dưa, chị Nga theo hướng dẫn đã làm thủ tục thanh toán khoản vay. Tưởng đã ổn nhưng 10 ngày sau, người bên App gọi điện đòi trả thêm gần 2 triệu tiền lãi phạt do chậm thanh toán một ngày.

"Họ dọa không thanh toán sẽ gọi điện cho người thân, bạn bè và đăng hình ảnh tôi lên mạng để hủy hoại danh dự", chị Nga cho hay.

Thấy có dấu hiệu phức tạp nằm ngoài tầm kiểm soát, Nga liên hệ ngân hàng phong tỏa tài khoản và báo công an nhờ hướng dẫn giải quyết.

 "Tôi quá mệt mỏi, không thể chịu đựng thêm nữa; lúc nào cũng trong trạng thái uất nghẹn khi bị họ uy hiếp", chị Nga nói…

Thực tế những năm qua, việc nở rộ các hoạt động cho vay tín dụng thông qua mạng, qua App trên điện thoại cũng đã từng "làm nóng" nghị trường. Một số đại biểu quốc hội và trước đó là cơ quan chức năng cũng cảnh báo về một số hậu quả của việc quá thả lỏng cơ chế cho vay này.

Những người cho vay thông qua phương thức này có nhiều "chiêu thức lách luật" để qua mặt cơ quan chức năng như việc chia nhỏ tiền lãi vào phí, phạt hoặc dịch vụ hỗ trợ. Tổng mức tiền lãi và phạt theo các chuyên gia tính toán lên đến tới hơn 1.000%/năm.