Vay tiêu dùng: Càng chậm trả, rủi ro sẽ càng lớn!
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu như đã đặt bút ký hợp đồng, “bút sa gà chết”, do đó người vay buộc phải có ý thức thực hiện và tuân thủ mọi điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Bởi, nếu chậm trả nợ ngày nào thì mức độ rủi ro sẽ càng lớn và gây bất lợi rất nhiều cho phía người đi vay.
Đặt bút ký vào hợp đồng, nghĩa là người tiêu dùng đã đồng ý với các điều khoản nêu trong hợp đồng vay tín dụng tiêu dùng, nhất là về mức thanh toán, thời gian trả nợ cũng như tỷ lệ bị phạt nếu vi phạm. Tuy nhiên, khi vi phạm và bị phạt, thì không ít người vẫn than phiền về dịch vụ này và cho rằng họ bị lừa. Ý kiến của ông ra sao về trường hợp này?
Trên thị trường hiện nay vẫn còn có trường hợp khách hàng vay tiêu dùng phản ánh rằng: Họ bị phạt nặng khi trả gốc và lãi chậm? Theo Luật sư, hành vi trên có vi phạm hợp đồng và vi phạm pháp luật?
Luật sư Trương Thanh Đức: Đương nhiên theo thỏa thuận trong hợp đồng thì khách hàng đã vi phạm. Thỏa thuận nêu trong hợp đồng cũng như pháp luật quy định, chậm trả người vay sẽ bị phạt chậm thanh toán theo như quy định của Bộ Luật Dân sự là không quá 9%; còn quy định của lĩnh vực ngân hàng là không quá 150% lãi suất trong hạn. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các tổ chức tín dụng đều áp dụng mức 150% chứ không áp dụng mức 100%, 110%, 120%, cho dù các mức trên đều đúng luật. Cho nên, bao giờ trong hợp đồng, các công ty tài chính đều để mức thỏa thuận cao nhất nhằm mục đích buộc khách hàng có trách nhiệm đối với những việc mình đã làm.
Thưa Luật sư, nếu vi phạm hợp đồng, theo quy định khách hàng sẽ bị xử lý ra sao?
Đương nhiên bên vi phạm hợp đồng sẽ không được pháp luật bảo vệ. Người vay cũng vậy, khi đã đặt bút ký, nghĩa là đã đồng ý với mọi điều khoản nêu trong hợp đồng. Cho nên, cứ chiểu theo hợp đồng mà thực hiện, khách hàng phải trả đúng hạn, chậm một ngày cũng là vi phạm; nếu chống thi hành các hình phạt thì mức độ vi phạm sẽ bị xác định ở mức nghiêm trọng. Và khi đã không tự nguyện thì buộc phải ra tòa để giải quyết và khi đã thành án thì sẽ phải cưỡng chế và bắt buộc. Theo đó, không những chỉ tài sản bảo đảm mà tất cả các nguồn thu khác, tài sản khác cũng bị xử lý. Nếu trốn tránh bản án thì sẽ mắc tội trốn tránh, không chấp hành bản án và vi phạm pháp luật.
Để hài hòa cả hai, Luật sư có lời khuyên nào dành cho các công ty tài chính và người vay tiêu dùng?
Vấn đề quan trọng ở đây là, không giống như kiểu giao dịch người nhà, người quen cho vay… nếu người vay tài chính tiêu dùng mà không xác định được nguồn trả nợ, đương nhiên khó khăn và rủi ro sẽ chồng chất. Càng chậm trả nợ thì sẽ càng nguy hiểm, càng bất lợi và rủi ro tăng cao hơn. Chính vì vậy, nếu đã đặt bút ký hợp đồng, đã thỏa thuận giấy trắng mực đen thì người vay phải có ý thức tôn trọng và thực hiện mọi điều khoản ký kết trong hợp đồng.