VBF 2018: Cần sự đồng hành của doanh nghiệp với Chính phủ
Đó là một trong những nội dung trọng tâm được các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất tại “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niêm (VBF) 2018: chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” diễn ra ngày 4/12 tại Hà Nội, dưới dự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhiều triển vọng phát triển
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại VBF 2018, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, nhưng với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị cùng với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”..., kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%; dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đã đề ra; ước có trên 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD; xuất khẩu đạt xấp xỉ 240 tỷ USD... Đạt được kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, vẫn còn đó không ít khó khăn. Đó là sức ép lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn thấp, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu...
Để khắc phục những tồn tại trên, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ và quyết tâm đổi mới toàn diện nền kinh tế.
Thứ nhất là, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản.
Thứ hai, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, khu vực, ngành hàng sản xuất gắn với chú trọng thị trường đầu ra, phát triển đồng bộ cả thị trường nội địa và nước ngoài, nghiên cứu các giải pháp ứng phó chủ động, giảm tác động tiêu cực của tình hình thương mại thế giới.
Thứ ba, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Tomaso Andreatta - đồng Chủ tịch VBF cho rằng, Việt Nam cần đưa ra những giải pháp nâng cao kết quả đạt được và tận dụng những cơ hội mới trong phát triển.
Về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành cần sớm có tiêu chí thống nhất để bảo đảm thực thicó hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng liên thông tối đa các thủ tục thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau.
Sẽ cải cách hơn nữa để Viêt Nam hùng cường
Tới dự và phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp dành cho Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh, Việt Nam có khát vọng mãnh liệt trở thành quốc gia hùng cường không kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục tăng trưởng khoảng 7%. Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam hiện đã tương đương 200% quy mô nền kinh tế, thu hút vốn FDI đạt trên 30 tỷ USD.
Đáng chú ý, dù tăng trưởng cao, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định đạt mức gần 1.000 điểm, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện, đứng vị trí 69/190 nền kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo đứng vị trí 45.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh hoàn toàn có thể ươm mầm cho nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam hiện cũng đã là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế lớn như BRG, T&T, Hòa Phát... Ngoài ra, phong trào khởi nghiệp sâu rộng trong năm qua đã khẳng định khí thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội từ thế giới, Thủ tướng cho biết cần có sự nỗ lực và hợp tác của 3 bên. Trong đó, doanh nghiệp cần xoá bỏ tâm lý trông chờ vào Chính phủ, doanh nghiệp FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn chuỗi giá trị, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, đặt niềm tin hơn vào doanh nghiệp Việt Nam.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò kiến tạo, ưu tiên các vấn đề trọng tâm là giữ vững ổn định môi trường vĩ mô.
Trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng tốc cải cách môi trường kinh doanh, cắt bỏ các điều kiện không cần thiết; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững.
Trong đó, cũng sẽ sẽ ưu tiên hơn đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển, đầu tư hạ tầng nhất là hạ tầng thông minh, hạ tầng số để đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.