VCCI đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc quy định miễn thuế nhập khẩu trực tuyến với đơn hàng giá trị nhỏ

Bích Ngọc

Góp ý dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan với hàng hoá xuất, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cân nhắc sửa đổi lại quy định về thuế nhập khẩu với hàng hoá thương mại điện tử theo hướng quy định biểu thuế suất đơn giản hoá và áp dụng cho mọi đơn hàng thương mại điện tử bất kể giá trị.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (TMĐT).

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi Bộ Tài chính một số ý kiến góp ý và đề xuất. Cụ thể:

Miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng giá trị nhỏ

Liên quan đến quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống) tại Điều 12 của Dự thảo Nghị định, VCCI cho rằng cơ chế này có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự không bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước.

VCCI phân tích, phần lớn hàng hoá nhập khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu bởi giá trị mỗi đơn hàng TMĐT thường có giá trị thấp, thường không quá 1 triệu đồng. Chẳng hạn, năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỷ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm. Như vậy, quy định ngưỡng 1 triệu đồng, đồng nghĩa với phần lớn hàng hoá TMĐT nhập khẩu sẽ không chịu thuế nhập khẩu.

VCCI cho rằng quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng giá trị nhỏ sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước
VCCI cho rằng quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng giá trị nhỏ sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước

Bên cạnh đó, VCCI cho rằng, quy định trên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng hoá, trong khi hàng hoá TMĐT được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Điều này vô hình trung vẫn tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách thuế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá nước ngoài.

Từ phân tích trên, VCCI đề xuất cần thiết cân nhắc áp dụng một chính sách thuế nhập khẩu toàn diện, không miễn giảm với hàng hoá TMĐT nhập khẩu. Tuy nhiên, theo VCCI, việc xây dựng chính sách thuế nhập khẩu với hàng hoá TMĐT nhập khẩu sẽ gặp nhiều thách thức. 

VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc sửa đổi lại quy định về thuế nhập khẩu với hàng hoá TMĐT, theo hướng quy định biểu thuế suất đơn giản hoá và áp dụng cho mọi đơn hàng TMĐT bất kể giá trị.

Miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa giá trị nhỏ

Điều 11.1 của dự thảo Nghị định đang dự kiến cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhưng mỗi năm tổng giá trị không quá 48 triệu đồng với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định đang thiết kế theo hướng quản lý theo người mua (người nhập khẩu).

Nghiên cứu nội dung này, VCCI cho rằng, quy định trên có thể tạo ra lỗ hổng trong thiết kế chính sách. Tương tự như phân tích ở trên, việc áp dụng ngưỡng 1 triệu đồng gần như không có tác dụng đáng kể nào khi phần lớn hàng nhập khẩu hiện nay có giá trị thấp. Điều này dẫn đến hệ quả là phần lớn hàng hóa TMĐT sẽ không phải chịu giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, dù tổng giá trị hàng bán vào Việt Nam có thể rất lớn, gây bất bình đẳng với hàng hóa trong nước.

Cách thức thiết kế hiện tại vẫn dựa trên tư duy của hoạt động nhập khẩu truyền thống, trong khi có sự khác biệt rõ rệt giữa hai hình thức nhập khẩu truyền thống và nhập khẩu qua TMĐT.

VCCI nêu quan điểm, thay vì tiếp tục quản lý theo người mua, có thể chuyển sang quản lý theo người bán. Cơ chế này sẽ đồng thời bảo đảm quản lý theo rủi ro, theo đó, tập trung quản lý với các hàng hoá có khối lượng giao dịch lớn trên thị trường.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xây dựng cơ chế quản lý giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá theo người bán.

Bên cạnh các nội dung trên, VCCI cũng cho ý kiến đối với các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành tại Điều 11.2 của Dự thảo Nghị định, kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo hướng không áp dụng quy định về cảnh bảo với các đơn hàng đã gửi thông tin đến cho hệ thống.

VCCI đồng thời có ý kiến góp về quy định kiểm tra thực tế hàng hoá và quy định xử lý trong trường hợp hệ thống gặp sự cố của dự thảo Nghị định.

Những ý kiến góp ý và đề xuất của VCCI sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ lưỡng và điều chỉnh nếu thực sự phù hợp.