Về sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng
Hiện nay, các hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. Để tăng cường công tác quản lý thuế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện Dự án Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế này, nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Bài viết này trao đổi về những thay đổi của Luật thuế giá trị gia tăng.
Khái quát về luật thuế giá trị gia tăng
Điều 2 Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12 nêu định nghĩa: Thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Theo đó, thuế GTGT được hiểu là thuế chỉ áp dụng dựa trên phần giá trị tăng thêm mà không phải dựa trên toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 được thông qua ngày 3/6/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009 thay thế cho Luật thuế GTGT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT năm 2003, năm 2005 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần tại Luật số 31/2013/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. Thuế GTGT tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong động viên vào ngân sách nhà nước (NSNN) khi đây là sắc thuế có số thu lớn nhất trong hệ thống thu NSNN của Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, hiệu suất thu tốt của thuế GTGT góp phần đảm bảo cân đối cơ bản cho thu chi NSNN. Ngoài ra, do được nộp vào ngân sách kịp thời (hàng tháng, hàng quý kế tiếp tháng, quý phát sinh giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ) nên thuế GTGT tạo dòng tiền đều cho NSNN.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2013 đến hết năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu NSNN. Theo thống kê của cơ quan quản lý thu, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu NSNN cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế, cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%; năm 2019 khoảng 23,3%; năm 2020 khoảng 22,7%; năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19); năm 2022 khoảng 24,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, Luật thuế GTGT có điểm chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, với nguyên tắc của thuế GTGT, một số quy định còn phức tạp, không thuận lợi trong quá trình thực hiện, gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Luật hiện nay cũng chưa có những quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường.
Theo Bộ Tài chính, hiện số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 3 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Đối với doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT có mức từ 100 triệu đồng trở xuống/năm cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp mức biến động của giá và một số yếu tố khác cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội. Quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách.
Bộ Tài chính cho rằng, cần phải nghiên cứu bổ sung quy định hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 5% mà đầu vào chủ yếu áp dụng thuế suất 10%; nghiên cứu sửa đổi quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư để xử lý bất cập phát sinh trong thực tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, cần thiết phải ban hành Luật thuế GTGT (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật để góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng thu đủ vào NSNN, đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.
Đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung những quy định nhằm phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế.
Nguyên nhân sửa luật thuế GTGT
Theo Bộ Tài chính, việc nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế GTGT xuất phát từ 4 lý do chính.
Thứ nhất, việc sửa Luật nhằm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ để góp phần chặn đà giảm sút của quy mô thu ngân sách so với tổng sản phẩm trong nước (GDP). Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT để bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu (trong bối cảnh không điều chỉnh tăng mức thuế suất GTGT).
Thứ hai, việc sửa Luật xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Thứ ba, việc sửa Luật cũng nhằm thực hiện yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng mà thực tế phát triển kinh tế hội nhập trước mắt cũng như lâu dài đặt ra, phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu để bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, mở rộng cơ sở thuế thông qua giải pháp thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT và đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT ưu đãi; điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông.
Thứ tư, sửa Luật Thuế GTGT để tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ với các Luật như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Hải quan năm 2014; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Trồng trọt năm 2018; Luật Chăn nuôi năm 2018; Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật Chứng khoán năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thuế GTGT hiện hành.
Nội dung cơ bản của dự thảo
Cơ bản dự thảo vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách
Về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng
Giữ nguyên quy đinh dịch vụ cấp tín dụng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, việc xác định dịch vụ của các tổ chức tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hay không chịu thuế GTGT sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng, thay vì được liệt kê chi tiết trong luật thuế GTGT; Thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh chứng khoán trên cơ sở đồng bộ với các dịch vụ kinh doanh chứng khoán được quy định tại Luật chứng khoán. Các hoạt động chứng khoán khác không được nêu cụ thể trong dự thảo luật sửa đổi sẽ không còn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; Quy định cụ thể các giao dịch được coi là chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, nhằm phân biệt với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư và bán tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT; Quy định rõ hoạt động bán nợ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm hoạt động bán nợ và bán khoản phải thu của cơ sở kinh doanh...
Về thuế suất thuế GTGT
Thu hẹp nhóm “dịch vụ xuất khẩu thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%” chỉ áp dụng đối với với 03 nhóm dịch vụ được cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gồm: Dịch vụ cho thuê phương tiện vận tải được sử dụng ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Dịch vụ vận tải quốc tế; và Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế. Chuyển mặt hàng phân bón, tàu khai thác thủy sản và các loại máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sang áp dụng 5% thuế GTGT, thay vì thuộc nhóm đối tượng “không chịu thuế” như hiện nay; Bổ sung quy định “thiết bị, máy móc, dụng cụ y tế;” thuộc đối tượng áp dụng 5% thuế GTGT được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế (tức là có tính đến mục đích sử dụng khi xác định mức thuế suất áp dụng); Bổ sung quy định hàng đã bán tại cửa hàng miễn thuế thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT 0% đối với hàng hóa xuất khẩu.
Đề xuất Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
Dự thảo Luật Thuế GTGT bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào bị bỏ sót vào kỳ phát hiện sai sót, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; Phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản thanh toán từ 05 triệu đồng, thay vì 20 triệu đồng như hiện hành; Bổ sung một số chứng từ để đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đối với HHDV xuất khẩu bao gồm phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa.
Các trường hợp được hoàn thuế GTGT đầu vào:
Đối với thuế GTGT đầu vào từng lần từ 5 triệu đồng trở lên phải thanh toán không dùng tiền mặt. Hàng hóa dịch vụ xuất khẩu phải có: phiếu đóng gói, vận đơn, bảo hiểm hàng hóa.
Mở rộng đối tượng hoàn thuế GTGT cho các trường hợp sau đây: Cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% phát sinh số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên sau 12 tháng hoặc 04 quý; Cơ sở kinh doanh kinh doanh đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư (bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng) theo quy định của pháp luật đầu tư đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên. Thời hạn để cơ sở kinh doanh thực hiện hoàn thuế GTGT là không quá 01 năm kể từ ngày dự án đầu tư hoặc giai đoạn đầu tư/hạng mục đầu tư hoàn thành. Bỏ quy định xác định tỷ lệ 51% đối với sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản cho mục đích hoàn thuế GTGT. Thay vào đó, sẽ có Danh mục do Chính Phủ quy định các sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chế biến thành sản phẩm khác, thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT...
Dự thảo luật thuế GTGT cũng đề xuất một số sửa đổi, bổ sung nhằm đồng bộ với quy định pháp luật chuyên ngành, luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật đồng thời nhằm mục đích đảm bảo chính sách minh bạch, tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Kết luận
Dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Tài liệu tham khảo:
- Dự thảo Luật thuế GTGT của Bộ Tài chính;
- https://baochinhphu.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-sua-doi-luat-thue-gia-tri-gia-tang-102240105181620376.htm;
- https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/thue-gia-tri-gia-tang-la-loai-thue-gi-nguoi-chiu-thue-gtgt-va-nguoi-dong-thue-gtgt-la-nhung-ai-834818-97882.html