Vì EU lạnh nhạt, Nga rút khỏi dự án Dòng chảy phương Nam

Theo Infonet.vn

(Tài chính) Theo Tổng thống Vladimir Putin, Nga buộc phải rút khỏi dự án Dòng chảy phương Nam do EU không ủng hộ đường ống này, và khí đốt sẽ được chuyển cho các khách hàng khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara (thủ đô TNK) ngày 1/12/2014. Nguồn: internet
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Ankara (thủ đô TNK) ngày 1/12/2014. Nguồn: internet

Russia Today (RT) đưa tin, Tổng thống Putin đã phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng Nga sẽ rút khỏi dự án Dòng chảy phương Nam.

“Chúng tôi tin rằng quan điểm của Ủy ban châu Âu (EC) là phản tác dụng. Thực tế, EC không những không giúp đẩy mạnh tiến trình thực hiện dự án Dòng chảy phương Nam, mà như chúng ta thấy họ sẽ còn gây nhiều trở ngại cho việc này. Nếu châu Âu không muốn thực hiện, thì dự án này sẽ không được thực hiện nữa”, Tổng thống Nga cho biết.

Theo ông Putin, khí đốt của Nga “sẽ lại hướng đến các vùng khác trên thế giới, và việc này sẽ thành công nhờ những xúc tiến và đẩy mạnh thực hiện các dự án liên quan hóa lỏng khí tự nhiên”.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh ở các thị trường khác còn châu Âu sẽ không nhận được khối lượng này, ít nhất là từ Nga. Chúng tôi tin rằng dự án này không phù hợp với các lợi ích kinh tế của châu Âu và nó sẽ ảnh hưởng xấu đến hợp tác của chúng ta. Nhưng đó cũng là lựa chọn của các bạn châu Âu”.

Theo Tổng thống Putin, dự án Dòng chảy phương Nam đang ở giai đoạn “cần được khởi công xây dựng hệ thống ống dẫn dầu ở Biển Đen”, nhưng họ vẫn chưa nhận được lời chấp thuận nào từ phía Bulgaria.

Đầu tư hàng trăm triệu đô vào ống dẫn dầu sẽ “chỉ là việc làm ngu ngốc, hy vọng mọi người có thể hiểu được điều đó”, vì nó sẽ phải dừng lại khi chạm tới vùng biển của Bulgaria.

Ông cũng tin rằng Bulgaria “có vẻ như không hành động độc lập” khi trì hoãn dự án Dòng chảy phương Nam - một dự án có lợi cho đất nước họ.

Ông cũng khuyên lãnh đạo Bulgaria “nên đòi EC bồi thường cho khoản lợi nhuận bị họ làm tuột mất”, vì đất nước này lẽ ra có thể kiếm được 400 triệu euro (gần 500 triệu USD) hàng năm nhờ vận chuyển khí đốt.

Dòng chảy phương Nam dự kiến vận chuyển khí đốt của Nga đến Bulgaria qua Biển Đen và thông qua Serbia, Hungary, và Slovenia để tới Áo.

Từ năm 2012 “Gã khổng lồ” Gazprom đã khởi công xây dựng các thiết bị trên bờ biển cho đường ống dẫn ngược trở lại.

Nhưng dự án hơn 29 tỷ USD đã vấp phải một số khó khăn khi đã vi phạm các nội quy chống độc quyền của EU. Điều khoản đó quy định một công ty không thể sở hữu cả đường ống dẫn dầu và khí đốt vận chuyển thông qua họ.

Khủng hoảng ở Ukraine đã biến cuộc tranh luận pháp lý về đường ống dẫn dầu thành vấn đề chính trị, ảnh hưởng đến việc EU sẵn lòng tìm kiếm giải pháp cho sự đình trệ này.

Ủy ban châu Âu đang gây áp lực cho các nước thành viên, ép rút khỏi dự án. Điển hình là việc chính quyền mới của Bulgaria cho biết họ sẽ không để Gazprom đặt ống dẫn dầu nếu chưa có sự cho phép của Brussels.

Tổng thống Putin nói rằng Nga đã sẵn sàng xây một đường ống mới để đáp ứng nhu cầu khí đốt gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ, có thể sẽ bao gồm một trung tâm đặc biệt ở biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ cho các khách hàng ở phía Nam châu Âu.

Đến giờ, việc cung cấp khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ tăng khoảng 3 tỷ m3 thông qua đường ống dẫn Dòng chảy Xanh, ông Putin cho biết. Theo tin từ Reuters, năm ngoái đường ống này đã vận chuyển 13,7 tỷ m3 khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Tổng thống Nga, Moscow cũng sẽ giảm giá khí đốt cho các khách hàng này khoảng 6% kể từ ngày 1/1/2015.

“Chúng tôi đã sẵn sàng giảm giá khí đốt hơn nữa đồng thời với việc triển khai thực hiện các dự án chung có quy mô lớn”.

Tổng thống Nga cho biết Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Syria, và đã chỉ ra nhiều điểm tương đồng trong mối quan tâm của Moscow và Ankrara về vấn đề này.

“Chúng tôi có chung ý kiến cho rằng sự quan tâm đến tình hình ở Syria vẫn chưa đủ, và đều không muốn tình trạng lộn xộn tiếp tục diễn ra, cùng với sự gia tăng các tổ chức khủng bố ở Iraq”.

Cũng theo ông, quan trọng là phải tạo điều kiện để mọi công dân Syria được an toàn và có quyền cai trị bình đẳng.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi chắc chắn cần tìm ra một giải pháp có thể chấp nhận được - trước hết là đối với người dân Syria và các lực lượng chính trị ở trong nước này. Tiếp đến, dứt khoát chúng tôi sẽ duy trì liên lạc với mọi đơn vị tham gia, bao gồm cả những người bạn của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ”.

Tuy nhiên, các bên vẫn đang bất đồng về vị Tổng thống tương lai của Syria - Bashar Assad, người Ankara đang muốn tước quyền lực.

“Chúng tôi chân thành bày tỏ thái độ cảa mình về chế độ ông Assad. Ông ấy có lập trường khác về vấn đề này. Nhưng nhìn chung, chúng tôi đã đạt được một vài hiệp định về giải quyết xung đột ở Syria”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho ý kiến.

Ông nói thêm: “Điều duy nhất mà chúng tôi không thể đồng tình là cách thức giải quyết khủng hoảng”.

Cuộc nội chiến xảy ra ở Syria giữa lực lượng chính phủ và phe đối lập Hồi giáo từ năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của 200.000 người theo ước tính của Liên Hợp Quốc.