Vĩ mô ổn định, tăng trưởng sẽ đến
(Tài chính) Theo TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Chính sách công - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, ổn định vĩ mô và chỉ ổn định vĩ mô nên được ưu tiên số một. Nếu kinh tế vĩ mô được ổn định kéo dài thì tăng trưởng kinh tế sẽ đến.
Nhận xét về phát biểu của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội ngày 20/10 vừa qua, TS. Huỳnh Thế Du cho biết: Là người ủng hộ quan điểm Nhà nước chỉ nên tập trung vào ổn định vĩ mô và cải thiện môi trường kinh doanh, tôi thấy có một sự chuyển biến mạnh mẽ về cách điều hành của Chính phủ trong thời gian gần đây. Điều này thể hiện rất rõ trong báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội lần này, đó là việc ổn định vĩ mô đã được đưa lên hàng đầu.
Với việc môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, dẫn đến lãi suất thấp, sẽ tạo đà, tạo xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. Việc tiếp tục không ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
“Ở khía cạnh vĩ mô, ổn định vĩ mô và chỉ ổn định vĩ mô nên được ưu tiên số một. Nếu kinh tế vĩ mô được ổn định kéo dài thì tăng trưởng kinh tế sẽ đến. Cho dù tăng trưởng có thấp đôi chút trong một thời gian, nhưng chúng ta không nên sốt ruột mà quay lại mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế được xem xét và coi là ưu tiên thì khả năng bất ổn vĩ mô và các trục trặc sẽ quay trở lại”, TS. Huỳnh Thế Du nêu quan điểm.
Còn theo PGS., TS. Nguyễn Chí Hải, Trưởng Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), qua Báo cáo của Chính phủ, những kết quả kinh tế-xã hội đạt được là khả quan. Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm, sự bất ổn và phức tạp của tình hình Biển Đông, việc đạt được 13/14 chỉ tiêu là thành tựu rất khích lệ, thể hiện sự điều hành kiên quyết và có hiệu quả của Chính phủ.
“So với năm ngoái, việc thực hiện một số chỉ tiêu vào cuối năm có vẻ “bớt vất vả” hơn. Còn nhớ những ngày cuối năm 2013, chúng ta lo không đạt được chỉ tiêu thu ngân sách và Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo để đạt chỉ tiêu. Năm 2014, theo Báo cáo của Chính phủ, kết quả thu ngân sách Nhà nước 9 tháng tăng 17,2 % so cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Điều này chứng tỏ tăng trưởng của nền kinh tế đang trên đà hồi phục”, PGS., TS Nguyễn Chí Hải nhận xét.
Ông cho rằng, thành công quan trọng nhất của năm 2014 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, tiếp tục cải thiện các cân đối của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là mục tiêu chính mà Chính phủ đã đề ra cho năm 2014.
Đổi mới, hoàn thiện thể chế là quan trọng nhất
Theo GS., TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng và Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội lần này, Thủ tướng đều nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường.
Điều này cho thấy, chúng ta đã nhận diện rõ căn bệnh yếu kém về thể chế và tác động, ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Những khuôn khổ thể chế cũ đã trở nên chật chội, những cải cách trước đây đã không còn đủ lực, trong khi kinh tế đất nước đang hội nhập quốc tế sâu rộng, gắn bó chặt chẽ với kinh tế thế giới.
Chính phủ mạnh cần nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, sạch và tinh gọn. Muốn vậy phải cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản mà hiệu quả, ít chi phí về tài chính và thời gian cho cả cơ quan Nhà nước và người dân. Không nên đặt vấn đề thu gọn biên chế là khâu đột phá bởi ít người mà nhiều việc thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Điều quan trọng hơn là phải cải cách thủ tục hành chính trong đó cần giảm bớt công việc không cần thiết, phát triển mô hình Chính phủ điện tử…
TS. Huỳnh Thế Du thì cho rằng, trong 3 mũi đột phá được xác định tại Đại hội Đảng lần thứ XI thì thể chế là vấn đề quan trọng nhất. Nếu không gỡ được nút thắt thể chế thì rất khó để làm những vấn đề khác. Tầm quan trọng của việc tháo gỡ nút thắt thể chế đã được thể hiện rất rõ trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng.
“Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là hành động cụ thể. Nghị quyết 19 đã cho thấy điều này. Tôi rất tán thành với cách tiếp cận xác định vấn đề tổng thể và tiếp sau đó là đi vào các vấn đề cụ thể với những tiêu chí xác định rõ ràng. Hơn thế, việc dùng các chỉ tiêu hay con số so sánh với các nước trong khu vực là hết sức quan trọng. Bởi làm như vậy mới có thể biết được mình đang ở đâu và làm thế nào để có thể tiến kịp những nước đi trước ta”, TS. Huỳnh Thế Du chia sẻ.
Theo TS. Huỳnh Thế Du, việc Thủ tướng có một loạt buổi làm việc trực tiếp với các bộ, ngành gần đây, qua đó yêu cầu cắt giảm, thậm chí là bãi bỏ ngay những thủ tục gây phiền hà, thay đổi lề lối và thái độ làm việc đang được dư luận quan tâm, đánh giá rất cao. Việc làm đó khẳng định sự rốt ráo và quyết tâm của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh tạo dựng môi trường kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, kinh tế tư nhân cần được xem là nền tảng của nền kinh tế. Bởi kinh tế tư nhân chính là nhân tố nòng cốt giúp các quốc gia thành công và phát triển. So với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì các doanh nghiệp tư nhân thường ở vị trí bất lợi hay thiệt thòi hơn cả.
“Để kinh tế tăng trưởng cao và đất nước phát triển bền vững, những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần được các cấp thực hiện quyết liệt, triệt để; kinh tế vĩ mô cần tiếp tục được giữ ổn định; môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh phải được cải thiện”, TS. Huỳnh Thế Du khẳng định.