Vi phạm nồng độ cồn ngày càng nghiêm trọng
Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trên toàn quốc số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới nồng độ cồn chiếm 4%, riêng tại TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Nam giới gây ra 80% - 90% các vụ TNGT do uống rượu bia rồi lái xe. Xe máy gây ra 70% - 90% các vụ TNGT.
Khảo sát tại các nhà hàng, quán nhậu cũng cho thấy hành vi uống rượu rồi lái xe rất phổ biến, bất chấp các quy định luật pháp hiện hành. Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68% (xe máy 62%, ô tô 6%).
Khoảng 40% người đi nhậu ra về trong tình trạng bị say: 34% có dáng đi hơi xiêu vẹo, 5% xiêu vẹo. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao. Cụ thể, 36% không bật đèn xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, khoảng 40% số vụ và 11% số người chết do TNGT liên quan đến rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.
Từ ngày 1/1/2020, Quốc hội, Chính phủ cũng đã quyết định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội; thể hiện quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ TNGT.
Dự báo tình hình TNGT trong những tháng cuối năm còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức kiểm tra, xử phạt nặng, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM cũng khuyến cáo, để phòng tránh TNGT cho bản thân và những người xung quanh, người tham gia giao thông cần thực hiện triệt để phương châm “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, tuyệt đối không được trực tiếp điều khiển phương tiện ô tô khi tham gia giao thông.