Vì sao dòng vốn ngoại lại rầm rộ “săn” dự án bất động sản Việt Nam?
Đầu tư bất động sản liên quan rất nhiều đến luật lệ địa phương, nhất là vấn đề pháp lý, do vậy đây là một trong những yếu tố giúp cho thị trường Việt Nam được chú ý nhiều hơn bởi nhà đầu tư châu Á.
Đó là nhận xét của ông Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản đến từ Savills Việt Nam. Cũng theo ông Khương, nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế vĩ vô tích cực và thị trường bất động sản, Việt Nam đang trở thành điểm đến của dòng vốn châu Á.
Dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư châu Á đang hướng vào Việt Nam
So với nhiều nước trong khu vực, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế hơn trong việc thu hút nhà đầu tư. Đó là dân số trẻ, nhu cầu nhà đất và tiềm năng thị trường còn rất lớn, nhất là giá nhà tại Việt Nam hiện vẫn còn khá thấp so với các nước trong khu vực như Hong Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia…
Theo ông Khương - Giám đốc Đầu tư của Savills Việt Nam, so với các nhà đầu tư châu Âu, châu Mỹ thì các nhà đầu tư châu Á có sự gần gũi về vị trí địa lý, tương đồng về văn hóa nhiều hơn. Sự khác biệt văn hóa dẫn đến khác biệt thị trường.
Hơn nữa, bản chất đầu tư bất động sản liên quan rất nhiều đến luật lệ địa phương, nhất là vấn đề pháp lý sở tại, do vậy đây là một trong những yếu tố giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam được chú ý nhiều hơn bởi nhà đầu tư châu Á.
Còn với các nhà đầu tư châu Mỹ, châu Âu thì lại ưa chuộng kênh đầu tư chứng khoán hơn, các cổ phiếu bất động sản, bởi họ quan tâm đến tính thanh khoản, và họ ít tham gia với cấp độ dự án hay công ty mà chọn lựa công ty niêm yết với tư cách nhà đầu tư tài chính.
Vi thế, có thể nhận thấy, các nhà đầu tư châu Âu và châu Mỹ tham gia chứng khoán bất động sản không ít hơn những nhà đầu tư châu Á, thông qua các quỹ đầu tư, tổ chức định chế tài chính.
Ngoài ra, dù không tham gia đầu tư vào xây dựng dự án, nhưng các nhà đầu tư châu Âu, Mỹ lại tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến bất động sản. Những thương hiệu quản lý vận hành văn phòng, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại, tư vấn đầu tư, nghiên cứu thị trường, kết nối khu công nghiệp… đều là những đơn vị nổi bật đến từ châu Âu, châu Mỹ.
Bằng những hình thái khác nhau thì họ vẫn tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam và thế giới tài phiệt ở những lục địa này với mũi nhọn về tài chính, ngân hàng, bất động sản đều không thể để một thị trường hấp dẫn và đầy tiềm năng như Việt Nam ra khỏi bản đồ đầu tư của họ.
Pháp lý cởi mở, hạ tầng hoàn thiện, M&A bất động sản sẽ tiếp đà phát triển
Cơ sở hạ tầng được cải thiện, các tuyến đường kết nối thuận tiện với khu trung tâm giúp nâng cao triển vọng phát triển của các khu đô thị trong thời gian tới. Chính phủ cũng đang thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh nhằm tiếp tục thu hút nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam.
Liên quan đến các vướng mắc từ chính sách, từ 1/7/2015, các chính sách liên quan đến bất động sản được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và tập trung vào các điều luật như: Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, thuế liên quan đến bất động sản...
Hiện có khoảng 5 điều luật đang đưa ra nghiên cứu soạn thảo lấy ý kiến, trình Quốc hội liên quan đến thị trường bất động sản. Với sửa đổi tập trung vào những nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua, có những nội dung liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm bớt điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư.
Có thể thấy, theo ông Khương, điều này qua việc dự thảo Luật đất đai sửa đổi dự kiến bổ sung quy định cho phép người nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật nhà ở được có thêm quyền sử dụng đất.
Dự thảo Luật đầu tư đã đơn giản hóa thủ tục góp vốn, mua cổ phần khi quy định rõ chỉ khi nào việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài mới phải xin chấp thuận cho việc góp vốn, mua cổ phần này. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho các giao dịch mua bán- sáp nhập doanh nghiệp (M&A) của nhà đầu tư nước ngoài và có thể giúp thị trường M&A sôi động hơn.
Với những hỗ trợ trên, chuyên gia Savills dự báo hoạt động M&A tại thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ diễn ra sôi nổi trong năm 2018. Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là thị trường tiềm năng để đầu tư vốn cũng như hợp tác phát triển nhiều dự án…
Các nhà đầu tư trong nước là các tập đoàn lớn, bằng sự am hiểu và kinh nghiệm lâu năm trên thị trường cũng sẽ không kém cạnh khi mua lại những dự án hay khu đất tiềm năng để phát triển sản phẩm của mình.
Điều này có thể thấy được qua tình hình hiện tại của thị trường văn phòng tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội hay thị trường khách sạn tại các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An…
Chi tiết, nhà đầu tư M&A sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc văn phòng và khách sạn, theo sự gia tăng FDI và du lịch đang bùng nổ. Bất động sản công nghiệp và logistics cũng sẽ thu hút các nhà đầu tư bởi tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Bất động sản nhà ở, căn hộ vẫn là chủ đạo trong thị trường hiện tại. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ ưu tiên các dự án có thủ tục pháp lý minh bạch, đã được giải phóng mặt bằng để có thể xây dựng hoặc khai thác trong thời gian sớm nhất nhằm giảm thiểu rủi ro.