Vốn ngoại trước tình huống “vấp chân” tại cổ phiếu ngân hàng Việt
Sau gần một năm nổi bật làn sóng đổ bộ vào các ngân hàng Việt Nam, giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đang trở nên bấp bênh trước những diễn biến bất lợi.
Từ giữa năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động và "nóng" lên với các thương vụ thoái vốn, bán vốn thu hút sự tham gia mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Những kỷ lục thặng dư mới chỉ là kết quả ban đầu cho một phía.
Nổi bật nhất vẫn là kết quả thoái vốn Nhà nước tại Vinamilk và Sabeco. Giá cổ phiếu bán cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức cao, mang lại những khoản thu kỷ lục cho ngân sách.
Nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, cũng như tại một số sự kiện IPO lớn doanh nghiệp Nhà nước, giá cổ phiếu trên sàn liên tục giảm sâu dưới mức giá mà nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra mua trước đó.
Tại Vinamilk và Sabeco, nhà đầu tư nước ngoài tham gia với chiến lược dài hạn, thậm chí để sở hữu và đồng hành lâu dài với doanh nghiệp. Theo đó, giá trị các khoản đầu tư liên quan như hiện nay chỉ mang tính thời điểm so sánh.
Song, tại một loạt ngân hàng thương mại, những khoản đầu tư chứng khoán đơn thuần từ các quỹ ngoại đang đối diện với tình huống bị "vấp chân", khi giá trị các khoản đầu tư đã và đang có xu hướng suy giảm, cùng với bất lợi của biến động tỷ giá USD/VND.
Từ 15/4/2018, sau khi vượt đỉnh 1.200 điểm, chỉ số VN-Index liên tục lao dốc và suy giảm kéo dài cho đến nay, mức thấp nhất ghi nhận xuống tới 884,75 điểm trong ngày 12/7 vừa qua.
Trong diễn biến đó, giá cổ phiếu các ngân hàng đang niêm yết nói chung suy giảm mạnh, giảm từ 20-40% so với mức thiết lập được tại vùng VN-Index vượt 1.200 điểm. Đáng chú ý, trong số đó, những mã cổ phiếu ngân hàng vừa có giao dịch bán vốn lớn cho nước ngoài trước khi niêm yết cũng đã thủng sâu hoặc mấp mé mức giá bán cho khối này.
Năm 2017, hệ thống ngân hàng Việt Nam liên tiếp ghi nhận các thương vụ bán vốn cho nước ngoài thành công, các kỷ lục được thiết lập, mang về những khoản thặng dư lớn. Thành công này có tại VPBank, HDBank, TPBank và Techcombank. Cả bốn ngân hàng này đều đã lần lượt niêm yết cổ phiếu sau khi bán.
Với VPBank, dấu mốc giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài năm ngoái ở 39.000 đồng, cũng là mức giá tham chiếu chào sàn khi niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Sau gần một năm niêm yết, cùng với việc chia tách giá từ trả cổ tức tỷ lệ lớn, giá cổ phiếu VPB của VPBank cũng nằm trong đà suy giảm của thị trường nói chung từ 15/4/2018 đến nay và hiện chỉ hơn 26.000 đồng.
Kỷ lục về bán vốn cho nước ngoài hiện vẫn thuộc về Techcombank, và cổ phiếu TCB cũng vừa niêm yết đầu tháng 6 vừa qua. Dù vừa niêm yết, nhưng TCB cũng không tránh được đà suy giảm trong bối cảnh chung của thị trường, bên cạnh những yếu tố nội tại.
TCB đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam mới lại có cổ phiếu đạt thị giá trên 100.000 đồng. TCB chào sàn giá 128.000 đồng, cũng là mức giá bán cho loạt quỹ đầu tư nước ngoài trong thương vụ kỷ lục đầu tháng 4/2018. Giá TCB sụt giảm mạnh sau chào sàn, chia tách từ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lớn, và hiện chỉ còn giao động trong khoảng 25.000 - 26.000 đồng.
Tại thời điểm này, cả VPB và TCB đang đối diện với áp lực hơn 3 tỷ cổ phiếu sau khi trả cổ tức về tài khoản. Còn nhà đầu tư nước ngoài sau khi rót vốn đang đối diện thực tế thua lỗ khá lớn, dù trạng thái lời - lỗ chỉ đối chiếu để tham khảo hiện tại, giá trị thực của khoản đầu tư chỉ cụ thể hóa tại thời điểm họ thực hiện giao dịch.
Cũng trong năm 2017, TPBank tạo chú ý khi thực hiện đợt bán vốn thành công cho quỹ nước ngoài, đánh dấu giai đoạn mới sau tái cơ cấu. Các giao dịch được thực hiện trong nửa đầu 2018.
Cổ phiếu TPB của TPBank cũng nhanh chóng niêm yết, chào sàn với giá 32.000 đồng, trong khi mức giá bán cho quỹ nước ngoài trước đó được tiết lộ trước đây vào khoảng 30.000 đồng, nhưng theo các giao dịch công bố hồi tháng 6 vừa qua ở mức 25.000 đồng. Giá TPB sau niêm yết cũng giảm khá mạnh và hiện ở mức gần 27.000 đồng.
Tại HDBank, mức giá bán cho nhà đầu tư nước ngoài sau thương vụ lớn trong năm 2017, cũng như giá phát hành riêng lẻ cho các cổ đông lớn nối tiếp, được xác định ở khoảng 32.000 đồng. Cổ phiếu HDB của HDBank niêm yết đầu 2018 và là trường hợp duy nhất trong những ngân hàng niêm yết vừa qua có giá cổ phiếu liên tục tăng mạnh sau chào sàn.
Tuy nhiên, như diễn biến chung của thị trường, từ sau 15/4 đến nay, giá HDB giảm sâu, có thời điểm xuyên thủng mốc 32.000 đồng nói trên và hiện chỉ còn hơn 33.000 đồng. HDBank cũng là trường hợp duy nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng bán cho nước ngoái vừa qua đã trả cổ tức bằng tiền mặt tháng 6 vừa qua.
Cùng với đà suy giảm mạnh của giá cổ phiếu trên sàn hơn ba tháng qua, sau đầu tư, khối ngoại tại những ngân hàng trên còn đối diện với thực tế bất lợi từ biến động và chênh lệch tỷ giá USD/VND. Mức tăng khoảng 2% của tỷ giá từ đầu năm đến nay, và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cũng là một phần rủi ro với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngược lại, nếu như giá cổ phiếu những ngân hàng trên liên tục sụt giảm thì hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục khởi sắc. Cả VPBank, Techcombank, HDBank và TPBank vẫn đang là những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ 2017 và ở nhóm đầu hệ thống.
Tương tự tại một số ngân hàng thương mại khác của Việt Nam, hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tốt, thậm chí tốt nhất trong nhiều năm trở lại đây và họ cũng đã có kế hoạch bán vốn cho nước ngoài. Như tại Vietcombank và BIDV.
Nhưng với diễn biến suy giảm kéo dài của thị trường chứng khoán, với thực tế có thể "vấp chân" như những tình huống trên, với rủi ro tỷ giá đang thể hiện, môi trường đầu tư đã thay đổi qua liên thông với tình hình thế giới…, các ngân hàng thương mại Việt Nam có tiếp tục giữ được sức hút vốn ngoại như làn sóng trong 2017 và đầu 2018 hay không?
Trước mắt, nếu nhìn cụ thể vào kế hoạch bán vốn của Vietcombank và BIDV, hiện chưa có thông tin gì mới sau khoảng một năm thúc đẩy tiến độ.