Vì sao không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được con số 1 triệu doanh nghiệp thì tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17% trong khi tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%.
"Các chính sách về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giai đoạn vừa qua đã được ban hành khá đầy đủ, toàn diện và bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai" -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định tại Hội nghị góp ý dự thảo báo cáo Nghị quyết 35/NQ-CP và Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP được tổ chức sáng 19/10, tại Hà Nội.
Chưa đạt một số mục tiêu phát triển doanh nghiệp
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2019 là 14,4%, tăng khoảng 80% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội liên tục tăng lên từ 36,7% năm 2015 lên 46% năm 2019.
Tuy nhiên, “chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn khoảng cách lớn giữa chính sách và thực tiễn triển khai. Một số mục tiêu về phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 ví dụ như: mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 là chưa đạt được, xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan,” Thứ trưởng Trần Duy Đông nhận định.
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao tổng kết, đánh giá và xây dựng Báo cáo 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong quý 4 năm 2020.
Để có được cơ sở hoàn thiện các dự thảo nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất mong nhận được sự góp ý, tham vấn của các đơn vị, địa phương, bộ ngành, chuyên gia và hiệp hội doanh nghiệp.
Tại hội nghị các đại biểu đã tập trung trao đổi, đóng góp ý kiến tập trung các vấn đề còn đang tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai, đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tối đa khoảng cách giữa chính sách và thực thi, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, đối với dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, cần làm rõ nguyên nhân tại sao 50% mục tiêu của Nghị quyết 35 chưa đạt được mặc dù theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương thì trên 99% các nhiệm vụ, giải pháp đã được hoàn thành; đồng thời đề xuất định hướng, giải pháp để có thể thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
Đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 39/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: đề nghị tập trung cho ý kiến đối với một số vấn đề được nhận định còn đang vướng mắc trong quá trình triển khai vừa qua.
Ví dụ như các định mức hỗ trợ; cách thức, quy trình hỗ trợ; nội dung hỗ trợ trọng tâm (chuyển đổi hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết chuỗi giá trị, khởi nghiệp sáng tạo); một số chính sách chưa được triển khai (cấp bù lãi suất, ưu đãi thuế…), cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn kinh phí thực hiện.
Tại hội nghị, bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp chính sách - Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tóm tắt cáo cáo tổng kết Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động năm 2020 là không đạt được. Để đạt được con số này thì tăng trưởng doanh nghiệp phải đạt trên 17% trong khi tăng trưởng hiện nay mới chỉ hơn 10%.
Trong khi số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng, một phần do COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa được hiệu quả. Về khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp 48-49% GDP cũng không thực hiện được.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực tư nhân cũng tăng lên, nếu duy trì tốt thì trong giai đoạn tới có thể đạt được. Mục tiêu về đóng góp của khu vực tư nhân Việt Nam vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến năm 2020 khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 49% vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đóng góp liên tục tăng, nhưng vẫn không đạt và thiếu 3 điểm phần trăm. Theo đó, có 3/6 mục tiêu của Nghị quyết 35 không đạt; 3/6 mục tiêu đạt/vượt mức đề ra.
Bên cạnh đó, từ góc độ địa phương thực hiện, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thông tin về tình hình triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP tại địa phương, thực trạng, giải pháp và kiến nghị. Thành phố thực hiện nhiều giải pháp và ban hành kế hoạch triển khai kế hoạch từ năm 2016, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Nhiều giải pháp đã được thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư.
Đến nay, số doanh nghiệp trên địa bàn là 440.000 doanh nghiệp, không đạt được mục tiêu 500 ngàn doanh nghiệp. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn mặc dù được cơ quan quản lý triển khai hỗ trợ.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cũng cho rằng, Bắc Giang đã tích cực triển khai Nghị quyết 35, có kế hoạch thực hiện cụ thể. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết, những mục tiêu đề ra cơ bản hoàn thành. Bắc Giang cũng đã đạt được một số kết quả nhất định.
Thủ tục hành chính, đã được rà soát, cắt giảm được 25-30% thời gian thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng yêu cầu đăng ký những sáng kiến cải cách hành chính và đưa vào triển khai được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.
Cần các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, cần khuyến khích phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân có quy mô vừa và lớn; xây dựng các thương hiệu mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, đổi mới tư duy quản lý nhà nước về doanh nghiệp khu vực tư nhân, theo đó nhà nước coi doanh nghiệp vừa là khách hàng được phục vụ vừa là đối tượng quản lý.
Bên cạnh đó tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát minh, đổi mới, sáng tạo và áp dụng mô hình kinh doanh, dịch vụ sản phẩm chưa từng có tiền lệ. Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp khu vực tư nhân hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Theo đó, trung bình giai đoạn 2021-2030 tốc độ tăng số doanh nghiệp hoạt động khoảng 15% năm, tăng tỷ lệ doanh nghiệp vừa và lớn chiếm khoảng 5-6% trong tổng số doanh nghiệp vào năm 2025, phấn đấu đạt 8% vào năm 2030; bên cạnh đó, mắc tăng trưởng bình quân lao động 2021-2030 đạt khoảng 25-30%, tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 23-25%/năm.
Có 15 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1 tỷ USD vào năm 2020 và 20 doanh nghiệp khu vực tư nhân có vốn hoá trên 1 tỷ USD vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị đưa ra 6 nhóm giải pháp; trong đó, gồm hỗ trợ doanh nghiệp sau tác động bởi dịch bệnh COVID-19; Phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, tạo cực tăng trưởng mới cho nền kinh tế; thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp; tăng cường kiên kết doanh nghiệp, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác phát triển doanh nghiệp.
Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, chuyên gia tư vấn, Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID-LinkSME) cũng cho rằng, sau 5 năm thì môi trường kinh doanh của Việt Nam có rất nhiều cải thiện.
Với 5 nhiệm vụ triển khai nhiệm vụ của Nghị quyết 35 thì đa phần các địa phương đều triển khai và đạt được. Trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn có sự đột phá, mang tính chiến lược và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất.
Do vậy, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; tăng định mức hỗ trợ đối với đào tạo trực tiếp, bổ sung tỷ lệ hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; bổ sung quy định về đào tạo trực tuyến, đào tạo cho cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung quy định về cơ chế cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách tư vấn và mạng lưới tư vấn viên.
Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang tới đây, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến những kinh nghiệm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp như Bến Tre, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh để các tỉnh học tập, rút kinh nghiệm trong việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sự chia sẻ, nghiên cứu đồng bộ các giải pháp trong việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Trần Anh Tuấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất, trong thời gian tới, cần hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, đẩy mạnh xúc tiến thương mại; đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đào tạo, lao động có tay nghề và chuyên gia.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, mọi ý kiến đóng góp xây dựng tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện các dự thảo nói trên và trình Chính phủ.