Vì sao phải siết hoạt động của công ty tài chính?
Theo chuyên gia, quyết định của NHNN là rất cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng.
Siết chặt hơn hoạt động công ty tài chính
Trong dự thảo có một số điểm sửa đổi đáng lưu ý và được xem là sẽ siết chặt hơn hoạt động của công ty tài chính.
Đầu tiên là yêu cầu công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Thứ hai, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Và thứ ba, khi đòi nợ không được đe dọa đối với khách hàng, không được nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính (tức là người thân của khách hàng vay mà các công ty vẫn đang gọi nhắc nợ như hiện nay).
Để kiểm soát rủi ro
Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, đối với vấn đề thứ nhất và thứ hai, việc cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt. Còn vấn đề thứ ba là nhằm ngăn chặn tình trạng một số công ty tài chính nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, hoặc đòi nợ lúc nửa đêm gây bức xúc dư luận.
Trao đổi với chúng tôi về nội dung dự thảo sửa đổi Thông tư 43, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, quyết định của NHNN là rất cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính. Có 3 lý do thôi thúc NHNN phải hành động như vậy:
Thứ nhất, nếu không có một động thái nào chấn chỉnh thì thị trường tín dụng tiêu dùng sẽ trở nên tạp nham và hỗn loạn khó kiểm soát. Mọi thứ đều phải chuyển đổi từ lượng sang chất và phát triển bền vững, lành mạnh.
Thứ hai, quy định này không nhằm hạn chế tín dụng tiêu dùng mà nhằm kiểm soát rủi ro của hoạt động cho vay tiêu dùng.
Ông phân tích, các yêu cầu của NHNN đối với việc giải ngân bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt cho bên bán nhằm đảm bảo người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích. Bởi có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ tương quan thuận giữa sử dụng vốn đúng mục đích với khả năng hoàn trả món vay, nghĩa là vốn sử dụng đúng mục đích vay thì khả năng hoàn trả món vay cao hơn.
Về yêu cầu hạn chế giải ngân tiền mặt cho người vay, theo TS. Châu Đình Linh, sẽ không chỉ nhằm giúp công ty tài chính kiểm soát rủi ro tín dụng, mà còn hạn chế rủi ro hoạt động bởi có sự thông đồng làm sai giữa nhân viên tín dụng và khách hàng. Theo nhận định của ông Linh, việc hạn chế này đang dừng lại ở những người đã và đang vay (vì đã chứng minh được lịch sử tín dụng) với mức khống chế 30% tổng dư nợ (để NHNN kiểm soát ở tầm vĩ mô), sẽ tiến tới siết chặt hơn nữa trong thời gian tới và loại bỏ dần giải ngân tiền mặt cho người vay tiêu dùng.
Ngoài ra, theo TS. Linh, việc này còn giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Thứ ba, công tác thu hồi nợ thời gian qua đã biến tướng nên phải chấn chỉnh cũng là mục tiêu của thông tư dự thảo. Theo đó, nguyên tắc vay nợ “ai vay người đó trả”, nên không được nhắc nợ, đòi nợ cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ. Điều này giúp NHNN đạt 3 đích: (i) Bắt buộc các Cty TC tiến tới xây dựng chuẩn hóa quy trình đánh giá cho vay nhằm ra quyết định cho vay dựa trên khả năng trả nợ và ý chí trả nợ của người vay; (ii) Các công ty tài chính phải xây dựng quy trình thu hồi nợ đảm bảo phù hợp với các quy định pháp luật; (iii) bảo vệ hình ảnh và thương hiệu của hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, và NHNN.
Cần thiết nhưng cũng cần hợp lý
Trên thực tế, hoạt động cho vay tiền mặt đều được các công ty tài chính đẩy mạnh thời gian qua. Dù các công ty này không công khai báo cáo tài chính song thống kê sơ bộ của các chuyên gia phân tích cho thấy, ở các công ty tài chính lớn thì tỷ trọng này khoảng hơn 30%, song ở các công ty tài chính nhỏ hoặc mới ra đời thì tỷ trọng có thể vượt 50% trong tổng tín dụng tiêu dùng. Lý do là các công ty lớn, ví dụ Fe Credit, HD Saison, Home Credit... sẽ có sản phẩm cho vay đa dạng hơn, mạng lưới phục vụ khách hàng rộng khắp hơn, tới trên dưới cả chục ngàn điểm khai thác bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh điện tử, điện máy. Trong khi đó các công ty mới ra đời hoặc công ty nhỏ không có được lợi thế đó nên phải đẩy mạnh cho vay tiền mặt. Thậm chí các công ty còn cạnh tranh mạnh về cho vay tiền mặt cho dù biết rằng rủi ro cao hơn, song đổi lại là giải ngân nhanh chóng, lãi suất lại cao hơn tức là lợi nhuận lớn hơn.
Cho vay tiền mặt rủi ro hơn, không xác định được mục đích sử dụng vốn và dễ phát sinh nợ xấu hơn nên việc cơ quan quản lý siết chặt hoạt động này cũng không có gì là lạ, bởi lẽ nợ xấu ở mức cao có thể đe dọa đến hoạt động không chỉ của bản thân các công ty tài chính mà còn ảnh hưởng đến hệ thống tổ chức tín dụng cũng như nền kinh tế. Trong khi đó, hạn chế giải ngân tiền mặt, tăng cường cho vay thông qua các điểm kinh doanh hàng hóa, mà hiện phổ biến là hàng điện tử, điện máy, xe máy lại có ý nghĩa khác là thúc đẩy mua sắm, tiêu dùng, kích thích sự phát triển của nền kinh tế.
Về yếu tố đòi nợ được NHNN chú ý đưa vào dự thảo sửa đổi Thông tư 43 lần này rõ ràng xuất phát từ thực tế cho thấy thời gian qua nhiều người dân bức xúc vì họ không vay vốn nhưng vẫn bị công ty tài chính cho người gọi điện "khủng bố" đòi nợ. Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, có người bị đòi nợ vì lý do là "người thân" được khách hàng ghi trong hồ sơ vay vốn, bởi các công ty tài chính thường yêu cầu người vay phải kê khai 5-10 số điện thoại hoặc tài khoản facebook của những người liên quan. Khi người vay không trả nợ đúng hạn, các công ty này cử người liên tục gọi điện, nhắn tin quấy rối và đe dọa từ người vay đến những người liên quan để đòi nợ. Khi những người này không trả nợ có thể bị rêu rao bêu xấu ngay trên facebook để gây sức ép. Trong khi đó, người vay lại rất khó khăn trong việc liên lạc với công ty tài chính để khiếu nại hay để yêu cầu chấm dứt việc đòi nợ trái pháp luật.
Cũng có người bị đòi nợ vì sử dụng số điện thoại mới (mà số này từng thuộc về người nợ cũ hoặc người thân của người nợ cũ) mà công ty tài chính và bên được ủy quyền đòi nợ lại không nắm được sự thay đổi này, đồng thời chủ số điện thoại mới cũng không biết số mình mua từng vướng vào nợ nần với các công ty.
Sự bức xúc của người dân đã được nhiều lần phản ánh tới truyền thông, tới cơ quan bảo vệ người tiêu dùng song tình trạng bị quấy rối khi đòi nợ sai địa chỉ vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu thuyên giảm. Do vậy, theo nhiều ý kiến, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề, cách tốt nhất là đưa quy định vào trong dự thảo và yêu cầu các công ty tài chính phải có trách nhiêm hơn với các khoản tiền cho vay của mình.
Dĩ nhiên về phía cơ quan quản lý, không phải lúc này họ mới đưa chuyện đòi nợ ra để yêu cầu các công ty tài chính thực hiện nghiệm. Mà trước đó, trong năm 2018, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính. Cụ thể tại văn bản số 7022/NHNN-TTGSNH ngày 18/9/2018, NHNN đã yêu cầu các công ty tài chính cần có biện pháp phát hiện các bất cập, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) trong hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống từ đó ngăn chặn, xử lý toàn diện. NHNN cũng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ, đặc biệt là những quy định về hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đòi người không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính tiêu dùng.
Đối với quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, đồng thời không có nợ xấu, theo ý kiến của nhiều chuyên gia thì quy định này có phần còn chưa hợp lý. Bởi lẽ các khách hàng vay vốn ở công ty tài chính sẽ bị bó hẹp ở các đối tượng khách hàng đã và dang sử dụng dịch vụ, trong khi các đối tượng khách hàng mới thì lại bị bỏ ngỏ. Điều này không những hạn chế sự phát triển của công ty tài chính mà còn hạn chế khả năng tiếp cận đến tài chính tiêu dùng của người dân, là đi ngược với chủ trương mà Chính phủ đặt ra là tăng cường nguồn tín dụng đáp ứng yêu cầu chính đáng của người dân.