Vì sao thanh toán không dùng tiền mặt vẫn khó?
Thủ tục mở tài khoản, đổi pin, sử dụng thẻ chưa tiện lợi với nhiều người dân. Mặt khác, vẫn còn rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật thông tin khi thanh toán theo hình thức này. Do đó, thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn hạn chế.
Thách thức sự kiên nhẫn
Tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam” vừa diễn ra, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Mặc dù thanh toán điện tử đang được đẩy mạnh, thanh toán di động đã trở thành xu hướng rõ nét ở nhiều nước nhưng tiền mặt vẫn còn được sử dụng nhiều trong các giao dịch nhỏ, lẻ. Do đó, một xã hội không tiền mặt vẫn là đích đến lâu dài của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, xã hội không tiền mặt cũng có những vấn đề quan ngại trước những rủi ro tiềm ẩn về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng...”.
Từ kinh nghiệm hoạt động của một doanh nghiệp thương mại điện tử, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee nhận định, lý do không chỉ đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm không dùng tiền mặt chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt.
Vị CEO này cho rằng, việc kích hoạt sử dụng cách thanh toán không dùng tiền mặt vẫn là bất tiện đối với người tiêu dùng trong khi số tiền thanh toán cho mỗi đơn hàng có trị giá không cao, thường chỉ vài trăm ngàn.
Mặt khác, quy trình xây dựng ví điện tử vẫn có nhiều rào cản. “Chẳng hạn, trên ứng dụng (app) của những đơn vị thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua 8 bước. Đây là điểm hạn chế và thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng", ông Tuấn Anh nhận định.
Từ góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ công, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, nhiều người dân đến khám chữa bệnh vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt thay vì sử dụng thẻ để thanh toán. Nhiều người còn chưa biết sử dụng máy ATM để đổi mã PIN hoặc đi rút tiền. Do đó, có một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế đã không thể duy trì thanh toán viện phí bằng thẻ sau một thời gian áp dụng vì quá ít người thanh toán bằng thẻ.
Trên thực tế, để thực hiện được việc thanh toán dùng thẻ, người bệnh vẫn phải xếp hàng làm thủ tục mở thẻ, vẫn phải mang tiền mặt đến nộp để có tiền trong tài khoản ở một hạn mức nhất định thì mới được khám chữa bệnh.
“Mặt khác, khi sử dụng thẻ khám chữa bệnh để khám chữa bệnh, ngân hàng cung cấp thẻ thu phí duy trì thẻ khoảng 10.000 - 50.000 đồng thông qua việc trừ lại số tiền còn trong thẻ. Số tiền không nhiều nhưng về mặt tâm lý, người bệnh không muốn bị thu khoản phí này”, ông Sơn nói.
Cần đơn giản hóa thủ tục, nâng cấp công nghệ
Bàn về giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không tiền mặt và các văn bản liên quan khác để tạo hành lang pháp lý phù hợp. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục phát triển phương tiện thanh toán mới và các mô hình kết nối hiện đại.
Dưới góc độ cơ quan ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tập trung và cho phép chia sẻ, kết nối để thanh toán dịch vụ công. Bên cạnh đó, tích hợp và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung ứng dịch vụ công để tương thích và kết nối với các giải pháp thanh toán điện tử.
Đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán không dùng tiền mặt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, cần có giải pháp cụ thể từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng cần tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng.
“Ngoài ra, theo phản ánh của một số bệnh viện, phần mềm của ngân hàng thỉnh thoảng vẫn bị lỗi, dẫn đến mất kết nối dữ liệu. Việc thay đổi số pin thẻ khám chữa bệnh hơi phức tạp. Vì vậy, cần đầu tư công nghệ tốt hơn, hạn chế các lỗi kết nối, thủ tục thực hiện cần đơn giản, dễ áp dụng”, ông Sơn nói.