Việt Nam chung tay cùng quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân

Theo Khổng Hà (tổng hợp)/cand.com.vn

Việt Nam đã tham gia, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TNPW) và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).

Đại sứ Đặng Đình Quý.
Đại sứ Đặng Đình Quý.

Phát biểu tại phiên thảo luận chung thường niên của Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế (Ủy ban 1) của Đại hội đồng LHQ khoá họp lần thứ 76 hôm 11/10 (giờ địa phương), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh, Việt Nam tiếp tục cam kết cùng các nước thúc đẩy hòa bình, an ninh quốc tế và giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có việc thực hiện các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ và HĐBA.

Việt Nam thực hiện chính sách nhất quán về chống phổ biến, giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn loại vũ khí này.

Thực hiện các điều ước về vũ khí thông thường cần phù hợp với luật pháp quốc tế, cân bằng, không phân biệt đối xử, không chính trị hóa và cần tôn trọng quyền chính đáng của các nước về quốc phòng, an ninh.

Đại sứ cho rằng, bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tiếp tục là các nguy cơ đối với dân thường, các hoạt động gìn giữ hòa bình và tác động đối với phát triển kinh tế, xã hội tại trên 60 nước, trong đó có Việt Nam.

Khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên tại HĐBA tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy thảo luận, thông qua tuyên bố Chủ tịch về hành động bom mìn, trong đó kêu gọi các nước, hệ thống LHQ và các tổ chức liên quan tiếp tục hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, Đại sứ Đặng Đình Quý cũng nhấn mạnh công nghệ thông tin và truyền thông (ICTs) mang lại các lợi ích to lớn về phát triển kinh tế-xã hội nhưng các nước cần hợp tác, xây dựng các quy chuẩn đồng thuận về hành vi có trách nhiệm nhằm giải quyết các thách thức chung phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ủy ban 1 sẽ tiếp tục họp đến đầu tháng 11/2021, thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết thuộc các đề mục quan trọng về giải trừ quân bị, an ninh quốc tế, trong đó có giải trừ và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí thông thường, chống chạy đua vũ trang ngoài khoảng không vũ trụ và cải tổ bộ máy giải trừ quân bị đa phương, tăng cường an ninh khu vực, quốc tế.

Trước đó, tại phiên họp kỷ niệm 25 năm ngày mở ký Hiệp ước CTBT hôm 27/9, Đại sứ Đặng Đình Quý đã chia sẻ nhiều ý kiến trên và nhấn mạnh những thành tựu đạt được về Hiệp ước CTBT là nhờ các cam kết, nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về cấm thử, chống phổ biến và giải trừ quân bị hạt nhân.

Đại sứ tái khẳng định chính sách của Việt Nam về không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh Việt Nam đã tham gia, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp ước NPT, Hiệp ước CTBT, Hiệp ước TNPW và các nghị quyết liên quan của HĐBA.

Đại sứ cũng khẳng định quyền của các nước về nghiên cứu, phát triển, sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và kêu gọi sử dụng các cơ sở dữ liệu của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện về thực hiện chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân và phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tại cuộc họp này, lãnh đạo LHQ và hầu hết các đại biểu nhấn mạnh xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để bảo đảm không còn việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sự tồn tại của hơn 13.000 vũ khí hạt nhân tiếp tục là nguy cơ hủy diệt nhân loại, gây thảm họa về môi trường, sinh thái. Cạnh tranh địa chính trị, chạy đua vũ khí chiến lược, lạm dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện đại hóa các kho vũ khí hạt nhân và việc một số nước tiếp tục duy trì học thuyết hạt nhân là các thách thức đối với việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Sử dụng vũ khí hạt nhân là trái với luật quốc tế, trong đó có luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế.

Kể từ khi LHQ được thành lập, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực phấn đấu cho việc chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân. Nhiều điều ước quốc tế liên quan, trong đó có Hiệp ước NPT, các khu vực không có vũ khí hạt nhân (NWFZ), Hiệp ước CTBT và Hiệp ước TNPW cùng các nghị quyết của LHQ đã góp phần hình thành khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực quốc tế về chống phổ biến, giải trừ và cấm vũ khí hạt nhân. Hiệp ước CTBT là bộ phận quan trọng trong cơ chế chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân.

Tuy Hiệp ước chưa có hiệu lực nhưng từ khi Hiệp ước được mở ký chỉ còn một vài vụ thử hạt nhân. Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện cùng Cơ chế Kiểm chứng, trong đó có Hệ thống Quan trắc quốc tế (IMS) và Trung tâm Dữ liệu quốc tế (IDC), đóng vai trò quan trọng giúp giám sát, kiểm chứng các vụ thử, đồng thời góp phần giúp các nước có thông tin quan trắc về cảnh báo sóng thần, biến đổi khí hậu.

Nhân dịp này, nhiều phát biểu tại phiên họp kêu gọi các nước chưa ký, phê chuẩn Hiệp ước, đặc biệt là 8 nước còn lại trong Phụ lục 2 của Hiệp ước, cần sớm tham gia ký, phê chuẩn để Hiệp ước có hiệu lực.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến kêu gọi củng cố hợp tác đa phương, vai trò trung tâm của LHQ và bộ máy đa phương về chống phổ biến, giải trừ quân bị hạt nhân; các nước có vũ khí hạt nhân cần thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ về giải trừ vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước NPT; cần nỗ lực thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.