Việt Nam có lặp lại khủng hoảng mía đường của Trung Quốc cách đây 10 năm?
Hiện nay, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng đường sản xuất đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Brazil và Ấn Độ. Nhưng trước đó, có thời điểm ngành mía đường Trung Quốc đã phải đối diện với khủng hoảng nghiêm trọng, hoàn toàn mất năng lực cạnh tranh khi bị “thả nổi”.
Khủng hoảng nguồn cung và lạm phát 2010
Từ năm 1961 đến 2013, ngành sản xuất mía đường Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, với diện tích trồng mía mở rộng từ 0,1 triệu ha lên 1,8 triệu ha, năng suất trung bình tăng từ 24 tấn/ha lên 67,4 tấn/ha và sản lượng mía đường tăng từ 0,15 triệu tấn lên 10,6 triệu tấn.
Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, ngành mía đường Trung Quốc đã đối diện khủng hoảng 4 năm liên tiếp do nhân công tăng giá, hạn hán, chính phủ ngừng các chính sách hỗ trợ và cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập khẩu (nhập khẩu).
Năm 2010, hạn hán nghiêm trọng tàn phá vùng trồng mía phía nam khiến sản lượng mía đường Trung Quốc giảm 10%, cả nước thiếu hụt 3 triệu tấn đường tiêu dùng. Khan hiếm nguồn cung đẩy giá đường nội địa tăng cao buộc Trung Quốc phải giảm mức dự trữ quốc gia, tăng hạn ngạch nhập khẩu để khống chế lạm phát.
Tháng 9/2015, mía đường Trung Quốc tiếp tục chịu cú sốc nặng nề khi các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông và Hải Nam tuyên bố ngưng áp dụng mức giá sàn cho sản phẩm đường. Tháng 3/2016, 90% các nhà sản xuất đường báo cáo lỗ, và một lượng lớn các nhà máy nhỏ phải đóng cửa.
Ước tính tổng sản lượng đường vụ mùa 2016/17 chỉ đạt 8,4 triệu tấn, dự báo vào vụ mùa 2016/17, tổng sản lượng nhập khẩu đường chính ngạch và không chính ngạch của Trung Quốc phải lên đến 7,9 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thuế phòng vệ thương mại – cứu cánh kịp thời?
Năm 2016, nhận thấy những khó khăn của ngành mía đường, Chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 – 2020), tuyên bố trợ cấp và hỗ trợ tài chính cho nông dân nhằm tăng sản lượng và dừng việc giảm diện tích các cánh đồng mía.
Đến năm 2017, sau khi nhận định chênh lệch cán cân thương mại ngành mía đường đang đe doạ đến an ninh lương thực quốc gia, Trung Quốc đã chính thức áp dụng thuế phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch. Theo đó, đường nhập khẩu trong mức hạn ngạch 1,94 tấn/năm vẫn giữ nguyên mức thuế 15%, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch tăng từ 50% lên 95%. Mức thuế sẽ giảm 5%/năm và có hiệu lực trong 3 năm.
Dù mức thuế gây ra vô số khó khăn cho các quốc gia xuất khẩu đường vào Trung Quốc, nhưng ở một góc nhìn khác, thuế phòng vệ thương mại đã giúp ngành mía đường nước này vững vàng vượt qua khủng hoảng lúc bấy giờ. Sau nhiều năm liên tiếp thua lỗ, ngành mía đường Trung Quốc đã dần hồi phục, nông dân quay trở lại các cánh đồng mía và nhà máy hoạt động trở lại.
Sản lượng mía đường vụ mùa 2017/18 của Trung Quốc tăng đáng kể, đạt 9,2 triệu tấn, cao nhất trong 5 năm trở lại thời điểm đó. Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng cho thấy ngành mía đường Trung Quốc đã gần như phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng. Thuế phòng vệ thương mại được cho là đã thay đổi hoàn toàn diện mạo của ngành mía đường Trung Quốc.
Kịch bản nào cho mía đường Việt Nam?
Dù không ở mức “nguy kịch” như nền sản xuất mía đường Trung Quốc cách đây 10 năm nhưng câu chuyện của mía đường Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn. Từ sau niên vụ 2015/16, dù chính phủ đã có những biện pháp phòng vệ rất mạnh tay nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường vẫn tràn vào nước ta theo những đường tiểu ngạch, gây ra sự sụt giảm trong giá thu mua đường.
Đầu năm nay, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức được áp dụng, Việt Nam đã dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường, khiến cạnh tranh trong ngành mía đường càng trở nên khốc liệt. Chính phủ một số nước ASEAN trợ giá cho ngành Mía đường nội địa, dẫn đến cuộc chơi không công bằng trong cạnh tranh. Khó khăn chồng khó khăn, cộng thêm với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 thì hiện nay, chỉ còn 29/40 nhà máy đường trong nước còn có thể duy trì hoạt động.
Trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, tại Chỉ thị số 28/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến việc giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh các biện pháp có tác dụng trong dài hạn thì việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại đang được coi là “máy thở” thiết thực và kịp thời nhất để cứu ngành mía đường Việt Nam. Hiệu lực thuế kéo dài trong khoảng 5-10 năm sẽ tạo điều kiện cho ngành mía đường Việt Nam có thời gian trưởng thành, cứng cáp và vững vàng trước cạnh tranh quốc tế.
Nhìn từ bài học 10 năm của ngành mía đường Trung Quốc, nếu coi đường là mặt hàng an ninh lương thực quốc gia thì các biện pháp bảo hộ, phòng vệ là rất cấp thiết. Bởi nhu cầu về đường sẽ ngày càng tăng, sự lụi tàn của nguồn cung nội địa có thể dẫn đến tình trạng nhập siêu, chênh lệch cán cân thương mại và việc lệ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài sẽ là hệ quả tất yếu.