Việt Nam có thể mở các chuyến bay thẳng đến Mỹ trong năm nay

Theo Tuấn Anh/doanhnhansaigon.vn

Các hãng hàng không trong nước đang chuẩn bị triển khai các chuyến bay thẳng đến Mỹ, mở đường cho một kỷ nguyên hợp tác kinh tế mới với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

 Bay hay chưa bay vào thị trường Mỹ, các hãng Việt Nam đều đã lên kế hoạch, nhưng hiệu quả thì vẫn còn là ẩn số lớn. Nguồn: internet
Bay hay chưa bay vào thị trường Mỹ, các hãng Việt Nam đều đã lên kế hoạch, nhưng hiệu quả thì vẫn còn là ẩn số lớn. Nguồn: internet

Ba hãng hàng không của Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines, dự kiến sẽ bắt đầu các chuyến bay thẳng đến Mỹ vào năm nay, giúp cắt giảm khoảng 8 tiếng di chuyển. Các chuyến bay hiện tại mất 20,5 tiếng để bay từ TP. Hồ Chí Minh đến San Francisco, quá cảnh ở sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc. Nếu bay trực tiếp đến San Francisco hoặc các thành phố lớn khác trong khu vực Bờ Tây sẽ chỉ mất khoảng 13 tiếng.

Quan hệ kinh tế giữa hai nước đã phát triển ổn định trong những năm gần đây. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và là nơi cư trú của 2 triệu người Việt. Vào tháng Hai, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã tuyên bố Việt Nam tuân thủ tiêu chuẩn an toàn quốc tế - mở ra cơ hội cho các chuyến bay trực tiếp của các hãng hàng không Việt Nam đến Mỹ.

FAA đã cấp cho Cục Hàng không Việt Nam chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 theo chương trình Đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế, đồng nghĩa với việc cục đáp ứng các tiêu chuẩn về cấp phép nhân sự, vận hành và khả năng vận chuyển hàng không.

Trong nhiều năm, các nỗ lực của Việt Nam để có được sự chấp thuận của Mỹ đối với các chuyến bay thẳng đã thất bại bởi việc cơ quan hàng không chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về khả năng kiểm soát không lưu và khả năng ứng phó sự cố. Xếp hạng mức 1 của FAA sẽ cho phép các hãng hàng không của Việt Nam bay trực tiếp đến Mỹ.

Vào tháng Hai, bên lề hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội, hai hãng hàng không Việt Nam đã ký các thỏa thuận trị giá 20,9 tỷ USD. Vietjet đồng ý mua 100 máy bay 737 Max từ Boeing với giá 12,7 tỷ USD. Thỏa thuận bao gồm 20 máy bay Max 8s và 80 máy bay của mẫu Max 10 mới, lớn hơn. Vietjet cũng đạt được thỏa thuận trị giá 5,3 tỷ USD với GE về mua động cơ máy bay và dịch vụ bảo trì. Trong khi đó, Bamboo Airways, một hãng hàng không mới ra mắt vào tháng 1, cũng đã ký hợp đồng mua máy bay Boeing 787 trị giá hơn 2,9 tỷ USD.

Ca ngợi các thỏa thuận, Tổng thống Trump phát biểu: "Tiến tới trở thành đối tác của nhau, chúng tôi sẽ đạt được sự thịnh vượng và thành công lớn cho người dân Mỹ và người dân Việt Nam".

Vietnam Airlines và VietJet sẽ là những hãng hàng không đầu tiên mở dịch vụ bay thẳng tới Mỹ. Một số hãng hàng không Mỹ cũng đang xem xét tận dụng cơ hội kinh doanh mới này. Các hãng hàng không Việt Nam có thể sẽ bắt đầu với các chuyến bay đến San Francisco và các thành phố khác có đông cộng đồng người Việt và sau đó dần dần mở rộng dịch vụ của họ đến các thành phố lớn khác của Mỹ như Washington và Chicago.

Về định hướng với thị trường Mỹ, ông Trịnh Văn Quyết - CEO Bamboo Airways - chia sẻ với Nikkei rằng, sẽ có nhu cầu lớn cho các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ từ khách du lịch Việt Nam và người Việt ở nước ngoài. "Chúng tôi sẽ đặc biệt tập trung mở rộng dịch vụ sang Mỹ và Châu Âu trong 3 năm tới", ông nói.

Có khoảng 690.000 khách du lịch từ Mỹ đến Việt Nam trong năm 2018, tăng 12% so với năm trước, và 60% so với 5 năm trước đó, theo cơ quan quản lý du lịch Việt Nam. Mỹ là nguồn khách quốc tế lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Số lượng du khách từ Việt Nam đến Mỹ khoảng 100.000.

Dẫu vậy, các chuyến bay trực tiếp đến Mỹ chưa chắc có thể ngay lập tức trở thành "con gà đẻ trứng vàng" cho các hãng hàng không Việt Nam. Giám đốc điều hành của Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành cho biết, công ty sẽ mất 30 triệu USD cho dịch vụ bay thẳng đến Mỹ trong năm đầu tiên. Ông cũng cho biết sẽ mất ít nhất 5 năm để các chuyến bay có thể sinh lời.

Trong khi đó, thị trường bay nội địa chắc chắn sẽ trở nên cạnh tranh hơn trong những năm tới. Bên cạnh Bamboo, Vietravel cũng đã nộp đơn xin phép thành lập một hãng hàng không. Chỉ các hãng hàng không có thể đánh bại đối thủ trong thị trường dịch vụ nội địa mới có thể cung cấp chuyến bay đến Mỹ, vì sẽ không có lợi nhuận trong thời điểm hiện tại.

"Chúng tôi có kế hoạch khác biệt hóa với các đối thủ cạnh tranh trong nước bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ của với mục tiêu trở thành một hãng hàng không năm sao", ông Trịnh Văn Quyết nói. Hiện tại, chỉ có 11 hãng hàng không trên thế giới được trao danh hiệu năm sao, theo đánh giá của Skytrax, một công ty đánh giá và xếp hạng hàng không tại Anh.