Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng thu từ thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Mở rộng diện thu thuế, giảm bớt diện miễn thuế là một trong các giải pháp Việt Nam nên làm để tăng thu ngân sách, giảm bớt bội chi và nợ công trong giai đoạn tới, theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Tăng thu và giảm chi kết hợp với tăng hiệu quả chi sẽ giúp Việt Nam giảm nợ công.
Tăng thu và giảm chi kết hợp với tăng hiệu quả chi sẽ giúp Việt Nam giảm nợ công.

ADB sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ USD mỗi năm

Tại buổi họp báo sáng 11/10, đại diện ADB đã công bố về Chiến lược Đối tác Quốc gia Việt Nam (CPS) giai đoạn 2016 - 2020. Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ADB đã phê duyệt chiến lược đối tác mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng đồng đều và bền vững với môi trường hơn. Theo đó, ADB sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại 5 – 7 triệu USD mỗi năm và huy động đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỷ USD trong danh mục dự kiến.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi đề nghị đánh giá về tình hình nợ công tại Việt Nam và giải pháp giảm nợ công, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, tỷ lệ nợ công ở Việt Nam đã lên gần đến mức trần được Quốc hội đề ra do tình trạng thâm hụt ngân sách, tuy nhiên ADB không cho rằng sẽ có nguy cơ với nợ công ở Việt Nam. Hiện nay Chính phủ đang rất nỗ lực tập trung kiểm soát nợ công và một trong những việc đầu tiên ADB khuyến nghị là xem xét lại các chính sách thu để đánh giá liệu tỷ lệ thu từ thuế đã tương xứng với quy mô của nền kinh tế, của quốc gia hay chưa. 

“Chúng tôi cho rằng nguồn thu từ thuế vẫn còn có dư địa tăng lên. Điều này không có nghĩa là phải tăng thuế suất, mà là tăng diện thu, mở rộng các loại thuế. Đồng thời, đánh giá lại các biện pháp miễn thuế, xem mức độ ảnh hưởng đến ngân sách ra sao, liệu có cần thiết hay không?”, ông Eric Sidgwick đề nghị.  

Phân tích cụ thể hơn, ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế Quốc gia của ADB cho biết, để mở rộng dư địa thu thuế, cần đánh giá xem các cộng đồng đóng thuế đã tuân thủ chính sách hay chưa, qua đó xem xét từng thành phần của diện đóng thuế, từ các công ty lớn cho đến doanh nghiệp nhỏ và vừa... bắt đầu từ những nguồn dễ đóng thuế, những đối tượng đáng lẽ phải đóng thuế nhưng lại chưa đóng. Theo ông Aaron, việc mở rộng diện đóng thuế, giảm bớt diện miễn thuế còn giúp duy trì được mức thuế suất, đem lại nhiều lợi ích cho ngân sách hơn là tăng thuế suất.   

Tăng minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu công

Bên cạnh việc tăng thu, Việt Nam cũng cần cơ cấu lại chi tiêu công, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Với chi thường xuyên, vấn đề Chính phủ cần xem xét là tỷ lệ tiền lương cho công chức đang chiếm rất lớn khiến chi thường xuyên khó giảm. Với chi đầu tư, dù đây là khoản chi cần thiết để phát triển nhưng điều cần xem xét là số tiền đầu tư có thực sự hiệu quả và đảm bảo những ai thực hiện dự án đầu tư phải hết sức chú trọng đến hiệu quả dự án. 

Theo các chuyên gia ADB, tăng thu và giảm chi kết hợp với tăng hiệu quả chi sẽ giúp Việt Nam giảm nợ công. Do đó, một trong những trọng tâm của ADB trong CPS lần này là hỗ trợ Việt Nam cải thiện chi tiêu công thông qua việc giúp Chính phủ xây dựng các hệ thống lập kế hoạch chi tiêu công trung hạn, nâng cao chất lượng quản lý công sản để tăng nguồn thu từ tài sản công. Các hỗ trợ này sẽ góp phần xây dựng nền móng tăng cường sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong chi tiêu công. 

Đơn cử như ADB sẽ hỗ trợ nâng cấp các hệ thống quản lý tài sản đường bộ, đường sắt, tàu điện ngầm, giúp cải thiện hiệu quả chi phí và sự bền vững của các dự án đầu tư của ADB. Đồng thời, ADB hỗ trợ tăng cường phân cấp thông qua việc trang bị cho chính quyền địa phương kiến thức chuyên môn và năng lực để hoàn thành trách nhiệm ngân sách của chính quyền địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực điều phối và quản lý nợ. 

Ngoài ra, để giảm rủi ro trong quản lý tài chính công, ADB sẽ tăng cường năng lực cho các cơ quan trong công tác lập kế hoạch đấu thầu, lập ngân sách, quản lý hợp đồng và giám sát ở tất cả các cấp.