Việt Nam đã sẵn sàng đón dòng vốn bán dẫn?
Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia mạnh mẽ vào hệ sinh thái bán dẫn ở khu vực và toàn cầu.
Bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp quan trọng chiến lược trên toàn cầu. Thị trường này trên toàn cầu dự kiến tăng trưởng 2 con số trong những năm tới và hướng tới mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Đoàn đại biểu Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ tiếp tục có mặt tại Việt Nam những ngày qua, trong đó có 7 thành viên là doanh nghiệp lớn ngành bán dẫn toàn cầu để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư là một trong những minh chứng cho thấy, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành bán dẫn.
Chia sẻ với DĐDN, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ; đầu tư cơ sở vật chất; hạ tầng cơ sở; nguồn nhân lực trẻ. Đặc biệt, Việt Nam có nguồn đất hiếm - một trong những nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, cần thiết cho nhiều ngành công nghệ cao.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức dẫn một thống kê cho biết: để thiết kế một con chíp cần từ 4 - 6 tháng, trải qua hơn 500 công đoạn, đi qua 55.000 km ở 70 quốc gia. Nói thế như thế để thấy, đạt được thành công trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn, thiết kế chip cần có một hệ sinh thái; trong đó không thể không kể đến chất lượng nguồn nhân lực.
Trước cơ hội đưa Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng chíp toàn cầu, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị với sự tham gia của các trường đại học lớn ở Đà Nẵng để thảo luận về các cơ hội của các trường đại học tham gia hệ sinh thái thiết kế chip.
Từ Trung tâm thiết kế chip vi mạch được thành lập vào năm 2005 tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, cả nước có 11 trường đại học đào tạo trực tiếp đến thiết kế chip vi mạch, 35 trường đại học chuyển đổi chương trình. Thiết kế chip có 4 khâu: thiết kế, chế tạo, kiểm thử và đóng gói, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, Việt Nam có thể tham gia vào 2 khâu là thiết kế và đóng gói.
Bên cạnh những lợi thế trên, Việt Nam đối mặt với một số thách thức trong phát triển công nghiệp bán dẫn. Trong đó, về nguồn nhân lực còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo dự báo, trong 5 năm tới, Việt Nam cần hơn 50.000 kỹ sư thiết kế chip vi mạch nhưng hiện nay có khoảng 5.000 kỹ sư trong khi mỗi năm chúng ta chỉ có khoảng hơn 500 kỹ sư được đào tạo.
Từ thực tế trên, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, có 4 vấn đề đặt ra. Đó là, tiếp tục tháo gỡ bất cập trong thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; đảm bảo cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kỹ năng, năng lực ngoại ngữ… đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; mở rộng ứng dụng chip, thúc đẩy nhu cầu nội tại ở Việt Nam.
“Cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo. Hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI nhận thức được rằng, muốn phát triển bền vững, đột phá cần có nguồn nhân lực chất lượng cao. Một tín hiệu tích cực là một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư, hợp tác với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức thông tin.
Về nội dung này, theo ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đã hợp tác với hai tập đoàn cung cấp công cụ thiết kế chip lớn nhất hiện nay là Synopsys và Cadence để hỗ trợ cho hơn 20 trường đại học các bản quyền thiết kế.
Ngoài ra, một số địa phương quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực. Tại Bắc Ninh - một trong những địa phương công nghiệp lớn của cả nước đã hỗ trợ 50% học phí cho sinh viên ngành kỹ thuật công nghệ cao tại các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp với tổng kinh phí là 400 tỷ đồng cho giai đoạn 2023- 2025. Hay ở TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ với nhà đầu tư chiến lược Intel để đối tác có thể gắn bó lâu dài hơn...