Việt Nam đã tận dụng tốt các cam kết FTA

Theo Công Minh/thoibaonganhang.vn

Các FTA đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến nay Việt Nam đã ký và đưa vào thực hiện 10 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), qua đó tạo ra một khu vực thị trường rộng lớn cho hàng hóa nông sản của Việt Nam có cơ hội được tiếp cận và thâm nhập tốt hơn. Các FTA đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và đặc biệt là các mặt hàng nông - lâm - thủy sản nói riêng. Nhiều thị trường có FTA đã được khai thác tốt, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tích cực so với trước đó.

Cụ thể, xét trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi Hiệp định AANZFTA có hiệu lực vào năm 2010 với mức thuế suất thuế nhập khẩu về 0%, ngay khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu hạt điều sang Úc tăng trưởng bình quân đạt 12,9%/năm, thủy sản đạt 6,9%/năm; hay hạt tiêu xuất khẩu sang Nhật Bản tăng trưởng đạt 12,8%/năm, cà phê đạt 8,0%/năm sau khi Hiệp định VJFTA có hiệu lực năm 2010; hạt tiêu xuất khẩu sang Ấn Độ tăng trưởng đạt 14,3%/năm, thủy sản đạt 12,3% năm sau khi Hiệp định AIFTA có hiệu lực năm 2010; hạt điều xuất khẩu sang Liên bang Nga trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng 52,8%, chè tăng 9,5% so với cùng kỳ sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU có hiệu lực từ tháng 10/2016...

Tổng hợp đánh giá chung của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước. Trong đó, nhóm các thị trường tăng trưởng mạnh là Chi Lê (tăng gấp 3,7 lần sau 3 năm, tốc độ tăng bình quân 54,2%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 6,4 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 30,4%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 13,5 lần sau 10 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,8%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 7,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 18,4%/năm). Nhóm các thị trường có mức tăng thấp hơn là ASEAN - tính từ khi có ATIGA (tăng gấp 2 lần sau 7 năm, tốc độ tăng 10,7%/năm), Nhật Bản (tăng gấp 1,7 lần sau 8 năm, tốc độ tăng 7,1%/năm), Úc (tăng gấp 1,3 lần sau 7 năm, tốc độ tăng bình quân 3,3%/năm). Điều này cho thấy, các DN Việt Nam đã tận dụng được cơ hội do các FTA đem lại.

Trong đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động nắm bắt tình hình để đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản bất hợp lý trong các cuộc họp song phương, phiên họp của các Ủy ban liên Chính phủ, diễn đàn khu vực (ASEAN, APEC) và đa phương (WTO). Mặc dù gặp nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian (thường từ 5 - 7 năm/mặt hàng), tuy nhiên tính đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc mở cửa thị trường, tạo thêm “sân chơi” cho các mặt hàng nông - thủy sản.

Cụ thể, chúng ta đã kiện và đã thắng kiện Hoa Kỳ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam; đã hoàn tất việc thâm nhập thị trường mới cho một số trái cây của Việt Nam như thanh long, chôm chôm, nhãn, vải vào Hoa Kỳ; vải, xoài vào Úc; xoài, thanh long vào Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand; các loại trái cây tươi vào ASEAN, EU, Trung Đông, Đông Âu, Canada…

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang tích cực tiếp tục đàm phán hỗ trợ mở cửa thị trường cho tôm tươi nguyên con vào Úc; thịt lợn vào Trung Quốc, Philippines, Singapore; thịt gà chế biến vào Nhật Bản; trứng gia cầm muối vào Hồng Kông, Singapore; xoài, vú sữa vào Hoa Kỳ; măng cụt, bưởi, na vào Trung Quốc; nhãn, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Brazil, Ác-hen-ti-na...

Trước bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng quay trở lại, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức chủ động, linh hoạt để có thể ứng phó và tranh thủ cơ hội để bảo đảm lợi ích cho đất nước trong tình hình mới. Một loạt các vấn đề về TPP, về Hiệp định EVFTA và đàm phán FTA song phương với một số đối tác khác đã và đang được nghiên cứu, triển khai rất chủ động. “Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng cũng sẽ là cơ hội để chúng ta thể hiện vai trò và vị trí ngày càng cao trong quá trình hợp tác và hội nhập này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.