Việt Nam đóng góp tích cực trong hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN
Tổng thư ký ASEAN nhận định, trong thời gian nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán trong việc điều hành khu vực thực hiện các ưu tiên quan trọng.
Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Dato Lim Jock Hoi, cho rằng kể từ khi gia nhập tổ chức này vào ngày 28/7/1995, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực cho tiến trình hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Tổng thư ký Lim Jock Hoi nhấn mạnh thành công kinh tế, sự ổn định chính trị và sự lãnh đạo có tầm nhìn, cùng “năng lượng mạnh mẽ” của người dân Việt Nam là những “tài sản” cho việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Theo Tổng thư ký ASEAN, trong thời gian nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010 và 2020, Việt Nam đã thể hiện khả năng lãnh đạo quyết đoán trong việc điều hành khu vực nhằm thực hiện các ưu tiên quan trọng.
Ví dụ, Việt Nam đang đánh giá giữa kỳ (MTR) về việc triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025. Đây là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá tiến độ và thách thức, đồng thời giải quyết các khoảng trống trong việc triển khai ba trụ cột của Cộng đồng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất toàn cầu do ASEAN dẫn dắt và quy tụ tất cả các nền kinh tế chủ chốt của châu Á.
Đặc biêt, Tổng thư ký Lim Jock Hoi cho rằng Việt Nam đã góp phần nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của ASEAN trong 25 năm qua.
Ví dụ, khi bắt đầu đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với tư cách là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã đặt ra các ưu tiên vào các vấn đề có ý nghĩa, trong đó Hà Nội có thể đóng vai trò quan trọng, như biến đổi khí hậu, sự phối hợp giữa Liên hợp quốc và ASEAN…
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã chủ động vươn ra thị trường toàn cầu qua việc ký kết nhiều hiệp định thương mại cả song phương lẫn đa phương, trong đó mới đây nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định bảo hộ đầu tư và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU).
Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn và kiểm toán PwC, Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050 tính theo ngang giá sức mua (PPP).
Theo ông Lim Joc Hoi, không có nghi ngờ gì khi nhận định rằng Việt Nam đã hội nhập thành công với đại gia đình ASEAN kể từ khi gia nhập tổ chức này.
Với vị trí địa lý của mình, Việt Nam cũng đang đóng vai trò quan trọng, đi đầu trong việc tăng cường sự kết nối giữa Đông Nam Á lục địa và phần còn lại của khu vực, đặc biệt là trong các vấn đề mới nổi toàn cầu như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải trên biển, nông nghiệp, và môi trường bền vững, nhất là dọc theo tiểu vùng sông Mekong.
Về vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, ông Lim Jock Hoi cho rằng năm 2020 là năm quan trọng đối với ASEAN.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã ảnh hưởng đến một số sự kiện và sáng kiến; song ASEAN vẫn tập trung thực hiện các dấu mốc quan trọng, thể hiện cam kết của khu vực trong tiến trình hội nhập, trong đó có MTR và RCEP.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay nằm ở việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm vượt qua đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng, cởi mở và gắn kết.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện rất tốt vai trò của mình qua việc khởi xướng các biện pháp thiết thực nhằm giải quyết vấn đề này, đặc biệt là trong việc ứng phó với các tác động kinh tế và xã hội của dịch bệnh.
Thông qua sự phối hợp chặt chẽ với Thái Lan, Việt Nam đã dẫn dắt việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19.
ASEAN cũng sẽ thiết lập Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực và Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Các ưu tiên khác bao gồm lập nền tảng để chuẩn bị cho ASEAN thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, trong đó có khắc phục khoảng cách số, và hướng tới một nền kinh tế và xã hội bền vững hơn, toàn diện hơn và thích ứng hơn.
Đánh giá về vai trò, vị thế, cũng như các thành tựu, giá trị và bản sắc của ASEAN, Tổng thư ký ASEAN cho rằng nhìn tổng thể, ASEAN đã làm rất tốt trong hành trình 53 năm hội nhập của mình.
Các cơ chế hợp tác khác nhau giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài đã tiếp tục được triển khai trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa và xã hội trong tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Kể từ khi thành lập vào năm 1967, ASEAN đã thiết lập và duy trì thành công hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực, qua đó cho phép từng quốc gia thành viên phát triển kinh tế quốc gia, thịnh vượng và hội nhập trong khu vực và vào nền kinh tế toàn cầu.
Sự hội nhập thị trường sâu rộng hơn đã giúp ASEAN xây dựng và tạo ra một môi trường thân thiện với các nhà đầu tư. Hiện ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu đồng thời là điểm đến đầu tư quốc tế hấp dẫn đứng thứ 3 và là khu vực mậu dịch lớn thứ 4 thế giới.
Với việc trở nên cạnh tranh hơn về kinh tế, ASEAN mang lại các cơ hội việc làm tốt hơn cho 680 triệu dân trong khu vực, qua đó nâng cao mức sống và xóa bỏ tình trạng đói nghèo trong khu vực, đồng thời mở rộng tầng lớp trung lưu, với các gia đình có thu nhập tốt hơn và các thanh niên được tiếp cận với nền giáo dục tốt hơn.
Điều này cũng thúc đẩy giao lưu nhân dân trong khu vực như du lịch, trao đổi sinh viên, thanh niên tình nguyện và thực tập sinh.
Những bước tiến triển này đã tạo ra môi trường thuận lợi nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng bản sắc sâu rộng hơn trong bối cảnh tổ chức khu vực này đang quảng bá về “ASEAN: Một Cộng đồng Cơ hội cho Mọi người”.
Đánh giá vị thế tương lai của ASEAN, Tổng thư ký Lim Jock Hoi khẳng định sự trỗi dậy của châu Á thực sự là thời kỳ thú vị và ASEAN có vị trí tốt để thể hiện các triển vọng của “Thế kỷ châu Á.”
Một ASEAN gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và trách nhiệm xã hội cao sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia cùng chí hướng hướng tới một cộng đồng toàn cầu năng động, toàn diện và cởi mở - nơi mọi người cùng chia sẻ sự thịnh vượng, tinh thần trách nhiệm vì hòa bình và an ninh.
Theo đó, ASEAN sẽ duy trì và cố gắng trở thành một bên tham gia có trách nhiệm, cởi mở, dựa trên các nguyên tắc và kết nối thế giới, tham gia tích cực vào các chuỗi giá trị toàn cầu và kết nối chuỗi cung ứng.
ASEAN cũng sẽ tiếp tục tăng cường các cơ chế hợp tác và các nguồn lực nhằm giải quyết các thách thức trong tương lai một cách nhanh chóng và kiên cường.
Để làm được điều đó, ASEAN sẽ sẵn sàng nắm bắt các cơ hội trong môi trường khu vực và toàn cầu đang tiến triển.