Việt Nam khẳng định vị thế và vai trò trong ASEAN

Theo Thanh Hằng/sggp.org.vn

Nhân kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, tờ New Straits Times của Malaysia có bài viết với tựa đề “Việt Nam thúc đẩy kinh tế ASEAN bất chấp Covid-19”, nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong tổ chức này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 21.

Vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trong năm Chủ tịch ASEAN, thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế toàn diện cho khu vực sau đại dịch Covid-19.

Đóng góp cho quá trình mở rộng hợp tác

Theo New Straits Times, kể từ khi gia nhập ASEAN vào ngày 28-7-1995, Việt Nam đã góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, thúc đẩy hợp tác nội khối và mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên là một thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN, trong khi đóng góp vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và an ninh của khu vực.

Bài viết cũng nêu bật các cột mốc của Việt Nam từ khi gia nhập ASEAN, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 năm 1998, tức là chỉ 3 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối. Kế hoạch hành động Hà Nội được đưa ra tại hội nghị đã giúp duy trì sự hợp tác và tăng cường vị thế của hiệp hội trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN 2001 và nước Chủ tịch ASEAN 2010. Ở hai cương vị này, Việt Nam đã giúp thúc đẩy một bước tiến lớn hướng tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, qua đó tăng cường vai trò và vị thế quốc tế của khối.

Theo tác giả bài viết, ngoài ra, Việt Nam cũng có những đóng góp cho quá trình mở rộng hợp tác của ASEAN thông qua cơ chế hợp tác cấp cao Đông Á với sự tham gia của Nga, Mỹ, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và việc ASEAN được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tiếp sau là hàng loạt sáng kiến, chương trình như “Tầm nhìn 2020 và kế hoạch thực hiện”, “Tuyên bố ASEAN 2”, “Hiến chương ASEAN”, “Lộ trình phát triển Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015)”, “Sáng kiến hội nhập ASEAN” và “Kế hoạch Tổng thể và Kết nối ASEAN ”.

Bài viết dẫn lời cựu Đại sứ Singapore tại Việt Nam Teck Hean đánh giá Việt Nam là quốc gia năng động trong phát triển kinh tế. Theo ông Teck Hean, Việt Nam phát triển nhanh hơn nhiều nước trong khu vực và chính sự phát triển này đã giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế và khu vực.

Vai trò tích cực 

Cùng chung nhận định trên, TS Balaz Szanto, giảng viên Bộ môn Quan hệ quốc tế, Đại học Webster của Thái Lan, đánh giá từ khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất tích cực trong việc xây dựng cộng đồng chung, với nhiều sáng kiến mang tính xây dựng và có tính khả thi cao. Theo TS Szanto, trong những năm gần đây, với vị thế ngày càng được nâng cao, Việt Nam đã không ngừng thể hiện vai trò dẫn dắt trong diễn đàn khu vực quan trọng này. Ông nhận định năm 2020 chắc chắn là một năm đầy thử thách đối với thế giới và khu vực, do đó nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam trong năm nay cũng rất khó khăn. 

TS Balaz Szanto nêu rõ, năm 2020 đã chứng kiến nhiều vấn đề lớn nổi lên, đó là sự hoành hành của Covid-19, sự đứt gãy trong các nền kinh tế phát triển của thế giới... Việt Nam sẽ giữ vai trò dẫn dắt, bao gồm việc thúc đẩy một thông điệp thống nhất cho ASEAN trong các vấn đề khu vực. Việt Nam, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, sẽ huy động được năng lực hành động tập thể của khối, tạo ra cơ chế thúc đẩy sự hùng cường chung của các nước thành viên để không ai bị bỏ lại phía sau.

Còn theo ông Ahmad Ibrahim Almutaqqi, Giám đốc Chương trình nghiên cứu ASEAN thuộc Trung tâm Habibie (Indonesia), Việt Nam ngày càng trở thành “tấm gương” phản chiếu những lý tưởng và giá trị mà ASEAN có thể mang lại cho nhân dân các nước trong khu vực. Theo ông Ibrahim, kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng cánh cửa với thương mại tự do và hiện là một phần quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Ibrahim khẳng định xu thế này rất giống với những gì mà dự án hội nhập khu vực ASEAN đang hướng tới.