Cải cách thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã tích cực đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện quyết liệt, liên tục để cải thiện hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này.
Theo nhận định của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, việc triển khai NSW, ASW đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Theo đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua NSW, việc triển khai NSW giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí ở hầu hết thủ tục so với hình thức làm truyền thống trước đây, thậm chí có thủ tục hành chính ghi nhận giảm tới 93% chi phí.
Cuộc khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính qua NSW nhằm thực hiện chỉ đạo của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASEAN, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899) đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID tiến hành. Trong khuôn khổ cuộc khảo sát, 12 thủ tục hành chính (TTHC) có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành đã được lựa chọn để đánh giá.
Theo phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp về 12 TTHC - dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin NSW, thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Y tế cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên NSW hiện hoạt động tốt; Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%. Kết quả phản hồi được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy các hành động cải cách thực chất và hiệu quả hơn từ các bộ, ngành có thủ tục hành chính trên NSW.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại, thời gian quan, Tổng cục Hải quan đã tích cực đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại nhằm cải thiện hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này.
Cơ quan hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành triển khai mới 71 TTHC trên NSW trong năm 2020. Tính đến ngày 25/6/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 198 TTHC được đưa lên NSW với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia xấp xỉ 3,104 triệu bộ hồ sơ và trên 38,7 nghìn doanh nghiệp tham gia. Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 8 nước ASEAN gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar và Lào.
Tổng cục Hải quan cũng đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020; Phối hợp với tư vấn dự án Tạo thuận lợi thương mại của USAID thực hiện Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai NSW, ASW theo định hướng xử lý tập trung; Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin theo NSW...
Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã chính thức triển khai mới 10 TTHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dự kiến triển khai kết nối chính thức 25 TTHC của các Bộ: Bộ Quốc phòng; Bộ Công Thương; Bộ Y tế) trong quý III/2020; Chuẩn bị triển khai 01 TTHC của Ngân hàng Nhà nước...
Về triển khai NSW đường hàng không, Tổng cục Hải quan đã tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ chức năng hệ thống quản lý, giám sát tự động hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đường hàng không, thống nhất các nội dung đánh giá thực hiện, chuẩn bị cho việc triển khai chính thức tại Cục Hải quan TP. Hà Nội cũng như trên toàn quốc.
Về ASW, đến nay đã có 10 nước ASEAN tham gia Cơ chế một cửa ASEAN, tổng số C/O mẫu D mà Việt Nam nhận được từ các nước ASEAN là gần 200.000 C/O; Việt Nam gửi sang các nước gần 227.000 C/O. Đã kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu với Liên minh kinh tế Á – Âu; Đang tiến hành đàm phán để trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; chứng nhận xuất xứ điện tử với Hàn Quốc; chứng nhận kiểm dịch điện tử với New Zeland.
Thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 của Chính phủ, ngày 27/3/2020, đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 431/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” nhằm xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền NSW, ASW, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thời gian tới, cơ quan thực hiện Một cửa quốc gia cần tập trung vào các chính sách liên quan đến hội nhập, trong bối cảnh Việt Nam sắp thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều yêu cầu khắt khe về đồng bộ thể chế cho phù hợp với quy định của thế giới.