Việt Nam – Hàn Quốc trao đổi sáng kiến về phát triển đô thị thông minh

PV.

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hàn Quốc Việt Nam phối hợp với Cục Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc tổ chức Hội thảo Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị - giao thông thông minh.

Đây là cơ hội để các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng của hai nước Việt Nam – Hàn Quốc bàn thảo, chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm hiệu quả trong phát triển đô thị thông minh bền vững; Xu hướng quy hoạch và phát triển đô thị thông minh; Trung tâm đô thị thông minh Việt – Hàn hỗ trợ quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị thông minh; Xây dựng chính quyền điện tử và TP. Hà Nội thông minh; Phát triển TP. Hồ Chí Minh thành đô thị giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2025… Từ đó, đưa ra các giải pháp thích hợp để xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun khẳng định, các giải pháp công nghệ thông minh là một lựa chọn đúng đắn nhằm hỗ trợ các thành phố lớn tại Hàn Quốc cũng như Việt Nam ứng phó với tác động từ quá trình đô thị hóa. Theo Đại sứ, Hàn Quốc là đối tác phù hợp với Việt Nam trong lĩnh vực này. Nhiều tỉnh thành Việt Nam đã và đang trở thành cứ điểm tập trung lượng lớn doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc. Trên nền tảng những dự án đầu tư công nghệ cũng như sự tin cậy trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, hai nước có nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng và hiệu quả trong lĩnh vực đô thị thông minh. 

Đánh giá cao kinh nghiệm và thành tựu thực tiễn của Hàn Quốc trong xây dựng đô thị thông minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Phan Thị Mỹ Linh khẳng định đây là lĩnh vực mở ra nhiều hợp tác tác tiềm năng giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, mặt trái của việc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới, chính là gánh nặng quá tải về hạ tầng, y tế, giáo dục, và hệ lụy ô nhiễm môi trường… Việt Nam hiện có khoảng 30 tỉnh, thành phố hướng đến việc phát triển đô thị thông minh, như một giải pháp cho các vấn đề nói trên. Tuy nhiên, nếu thiếu đi những thiết chế cần thiết, quá trình chuyển đổi này có nguy cơ chỉ mang tính phong trào và gây lãng phí.

Trong bối cảnh ấy, việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 là một cơ sở đặc biệt quan trọng, giúp xác định các quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu theo từng giai đoạn cụ thể, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đồng thời phát huy tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương, cũng như cộng đồng doanh nghiệp và xã hội đối với vấn đề mới mẻ này.

Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay gần 38% và ước tính 813 đô thị, đòi hỏi công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật ngày càng được quan tâm. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị đang gây áp lực lên hệ thống giao thông, giao thông công cộng chưa phát triển, kết nối giao thông giữa các khu vực còn yếu; việc phát triển giao thông thông minh, đô thị thông minh ngày càng cấp bách.