Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Singapore

Trần Huyền

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 1/2025 vẫn đang giữ được đà tăng trưởng dương rất tốt với cả 3 chỉ tiêu kim ngạch đều tăng mạnh, đưa Việt Nam vươn lên thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Singapore.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 1 vẫn đang giữ được đà tăng trưởng dương. Ảnh: internet
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore trong tháng 1 vẫn đang giữ được đà tăng trưởng dương. Ảnh: internet

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,83%

Số liệu thống kê tháng 1/2025 của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt hơn 114,15 tỷ SGD, tăng 6,75%, trong đó xuất khẩu đạt hơn 59,4 tỷ SGD, tăng 2,97% và nhập khẩu gần 54,75 tỷ SGD, tăng 11,17% so với tháng 1/2024.

Trong tháng 1/2025, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Singapore với 9/15 đối tác tăng trưởng dương, một số đối tác có kim ngạch tăng mạnh, thậm chí đột biến như Đài Loan (tăng 92,27%); Philippines (tăng 25,99%), UAE (tăng 18,7%)… Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Trung Quốc, Mỹ là 4 đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với tổng kim ngạch thương mại lần lượt là: 14,9 tỷ SGD, 13,2 tỷ SGD; 12,8 tỷ SGD và 11,21 tỷ SGD.

Đặc biệt, Việt Nam vươn lên vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Singapore. Trong tháng 1/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 3,39 tỷ SGD, tăng 16,83% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore đạt 794 triệu SGD, tăng 16,97% và nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam khoảng 2,6 tỷ SGD, tăng 16,79%.

Trong cơ cấu hàng hoá từ Singapore xuất sang Việt Nam, hàng hoá có xuất xứ Singapore đạt 759,19 triệu SGD, tăng 47,89% và hàng hoá từ nước 3 qua Singapore xuất sang Việt Nam đạt 1,84 tỷ SGD (chiếm 71%), tăng 7,46%.

Nếu chỉ tính riêng cán cân thương mại giữa hàng hóa Việt Nam và hàng hóa có xuất xứ Singapore thì Việt Nam xuất siêu khoảng 34,8 triệu SGD.

3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng rất mạnh, cụ thể: nhóm Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 46,02%); Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 47%); Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 58,91%).

Một số nhóm ngành khác cũng tăng trưởng mạnh đáng chú ý như: Máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại  (tăng 60,77%); Thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 52,87%); Gạo và ngũ cốc (tăng 36,43%)…

Ở chiều ngược lại, 3 nhóm nhập khẩu chủ lực đều tăng trưởng dương: Máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 9,33%); Xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 107,87%) và nhóm Lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 2,75%). Một số nhóm ngành khác tiếp tục tăng đột biến như: Kẽm và sản phẩm từ kẽm (tăng gần 1,6 lần), Dược phẩm (tăng 96%)…

Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng

Theo ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, tình hình thương mại của Singapore với thế giới trong tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì được đà tích cực từ những tháng cuối năm 2025 khi tất cả các chỉ tiêu tổng kim ngạch 2 chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng dương. Tuy nhiên, đánh giá triển vọng dài hạn trong cả năm 2025 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn.

Trong báo cáo ngày 14/2/2025, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) giữ nguyên mức dự báo chính thức tăng trưởng GDP cho cả năm 2025 của nước này từ 1% đến 3%. Khoảng dự báo rộng cho thấy, MTI đánh giá năm 2025 sẽ còn nhiều bất ổn với các rủi ro có khả năng tác động tiêu cực tới tình hình đầu tư, thương mại và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn cùng với nguy cơ leo thang của xung đột địa chính trị có thể làm gia tăng chi phí sản xuất cũng như tăng sự bất ổn trong chính sách kinh tế toàn cầu.

Sự gián đoạn trong quá trình giảm lạm phát toàn cầu có thể dẫn đến điều kiện tài chính bị thắt chặt lâu hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những bất ổn trong hệ thống ngân hàng và tài chính. Trong bối cảnh đó, các ngành sản xuất và dịch vụ liên quan đến thương mại tại Singapore dự kiến sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, mặc dù tốc độ tăng trưởng có thể bị chậm lại so với năm 2025. Đây là biên độ dự báo tăng trưởng khá rộng, cho thấy Chính phủ Singapore vẫn rất thận trọng khi đánh giá các yếu tố tiêu cực vẫn có khả năng kéo dài.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore khuyến nghị, với bối cảnh nêu trên, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến tại địa bàn nhất là các chính sách mới, các quy định về điều kiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; đổi mới phương thức quản lý, chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia trưng bày hàng hóa tại các hội chợ triển lãm quốc tế để tăng sự hiện diện hàng hóa Việt Nam, quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu hàng Việt tới người tiêu dùng tại bản địa.